Các quy tắc phân tích liên thị trường ( phần 7: Hàng hóa và cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ có mối tương quan như thế nào ).
Hàng hóa và cổ phiếu là mối tương quan không thể thiếu khi phân tích.
Hàng hóa được sản xuất từ các công ty, và các công ty đó muốn phát triển thêm nhiều chi nhánh, mở rộng quy mô công ty… thì các công ty đó sẽ phát hành thêm cổ phiếu và được “thế chấp” bằng chính giá trị thực tế của công ty. Khi phát hành cổ phiếu ra như vậy thì mỗi bước thăng trầm của giá cổ phiếu sẽ tác động trực tiếp đến “sức khỏe” của công ty đó. Vậy cho nên mối tương quan giữa giá cả hàng hóa và cổ phiếu là mối tương quan rất quan trọng.
Khi hàng hóa sản xuất ra bán được nhiều, có nghĩa là nhu cầu tăng cao, giá cả sẽ tăng lên… và mang về nguồn lợi nhuận lớn hơn cho công ty, nhu cầu tiêu thụ tăng thì các công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ sản xuất, cung ứng ra thị trường nhiều hàng hóa hơn, từ đó quy mô công ty sẽ tăng cao. Lý thuyết thì là vậy, và công ty nào thì cũng muốn bán được nhiều hàng hóa và thu hút được nhu cầu của khách hàng.
Trong khuôn khổ phần này chúng ta sẽ không đi sâu vào tìm hiểu chi tiết từng ngành hàng mà cái chúng ta cần quan tâm đó là một vài mối tương quan đặc biết giữa các chỉ số chứng khoán và một vài hàng hóa đặc biệt. Nổi bật nhất đó là mối tương quan giữa các chỉ số chứng khoán của Mỹ và Oil. Ngoài Oil ra chúng ta cũng cần quan sát thêm cả giá cả các mặt hàng khác, những kim khoáng quặng khác nữa. Giả sử như giao dịch với chỉ số chứng khoán Úc AUS20 thì tất nhiên phải chú ý đến biểu đồ giá đồng, sắt… kim khoảng quặng nói chung.
Hay là giao dịch với chỉ số FTSE thì chắc chắn phải quan tâm tới giá dầu. Xét về mặt tổng thể có thể theo dõi chỉ số CRB Index để dự đoán xu hướng của các chỉ số chứng khoán chính thường được trader giao dịch (S&P 500, NASDAQ, DOW JONES, AUS200, FTSE, DAX, JPN225…). Về dài hạn thường khi giá dầu giảm mạnh thì thị trường chứng khoán sẽ có xu hướng giảm theo.
Xem thêm:
Mối tương quan giữa chỉ số chứng khoán S&P 500 và chỉ số CRB Index không thật sự rõ ràng và nếu chỉ nhìn vào mối tương quan này thì rất khó để đưa ra được các quyết định mua bán chính xác được. Vậy nên Tôi sẽ phân chia riêng lẻ mối tương quan giữa giá dầu và chỉ số chứng khoán S&P 500, như vậy sẽ dễ dàng phân tích hơn.
Phía trên là một bức hình so sánh mối tương quan giữa hàng hóa và chứng khoán, sẽ còn rất nhiều mối tương quan giữa hàng hóa và các chỉ số chứng khoán khác nữa mà các bạn có thể tham khảo thêm. Một ví dụ đơn giản dễ hiểu nhất là mối tương quan giữa chỉ số chứng khoán Mỹ và Oil. Ví dụ giao dịch Tôi sẽ viết trong phần tổng hợp các quy tắc tương quan này.
Nếu xét riêng về mối tương quan giữa Oil và S&P 500 các bạn cần chú ý là quan sát bộ phận cấu thành của chỉ số S&P 500, nó bao gồm những nhóm ngành hàng nào, và phải đặc biệt chú ý đến nhóm ngành năng lượng, khai thác dầu mỏ, giao thông vận tải. Những nhóm ngành trên là những nhóm ngành phản ứng trước tiên với những biến động của giá dầu, và thường dầu giảm thì ngay lập tức cổ phiếu các nhóm ngành trên cũng giảm theo. Và khi mà các nhóm ngành trên giảm thì sẽ kéo theo hệ lụy chỉ số chứng khoán cũng sẽ giảm theo.
Những điều này cũng được lý giải như sau: khi giá dầu giảm thì sẽ khiến cho các nguồn lợi của các công ty khai thác dầu và năng lượng mất đi nguồn lợi nhận rất lớn, họ sẽ phải tính tới cắt giảm khai thác và tiết giảm chi tiêu trong sản xuất… nói chung là họ sẽ có xu hướng thu hẹp quy mô lại.
Bên cạnh đó các công ty giao thông vận tải cũng thế, mặc dù sẽ có luồng tư tưởng là khi giá dầu giảm thì chi phí nhiên liệu sẽ giảm theo, do đó lợi nhuận của các công ty này sẽ tăng lên, điều này hoàn toàn đúng, tuy nhiên khi giá dầu giảm thì họ cũng phải tiết giảm giá thành vận tải xuống. Khi giá thành vận tải giảm xuống thì các công ty này cũng phải chịu những thiệt hại nhất định, do vậy mà giá dầu tăng hay giảm đều sẽ rất nhạy cảm với các công ty này.
Một ví dụ dễ nhận thấy khi ghép các chỉ số chứng khoán Mỹ vào cùng với chart Oil. Các bạn quan sát sẽ thấy giá Oil giảm trước thì một thời gian sau đó các chỉ số chứng khoán cũng giảm theo. Các bạn sẽ phải khá vất vả khi lục lọi các chỉ số cho từng nhóm ngành riêng lẻ, nhưng để đơn giản hơn thì có thể quan sát cho các chỉ số chứng khoán luôn, nhưng chắc chắn là phải nhìn thêm các thông tin ở các thị trường khác, trái phiếu và tiền tệ nữa.
Thị trường trái phiếu và tiền tệ cũng tương quan mật thiết.
Mối tương quan cuối cùng trong chuỗi 6 mối tương quan chính giữa các thị trường với nhau, mặc dù trader Việt ít quan tâm tới thị trường trái phiếu tuy nhiên khi xét đến các yếu tố liên thị trường thì chắc chắn không thể thiếu những biến động trên thị trường trái phiếu được. Và ngay cả khi phân tích các cặp tiền chẳng hạn các bạn cũng cần phải nhìn xem dòng tiền có chạy vào thị trường trái phiếu hay không, thể hiện qua sự tăng giảm của lợi tức trái phiếu.
Trong tất cả các mối tương quan không thể mà tách rời theo từng mối tương quan đơn lẻ thế này được mà cần phải có cái nhìn tổng thể trên cả bốn bộ phận. Sở dĩ mà Tôi quyết định chia nhỏ các mối tương quan là để các bạn có cái nhìn đơn giản hơn về các mối tương quan, để khi chúng ta kết hợp các mối tương quan thì sẽ dễ dàng hơn và hình thành một kỹ năng phân tích mà cái này Tôi gọi là sự nhạy bén trong từng sự kiện.
Xem thêm: Các quy tắc phân tích liên thị trường (phần 3: Trái phiếu và hàng hóa có mối tương quan mật thiết).
Một ví dụ trong phân tích dài hạn giữa sự chênh lệch lợi tức trái phiếu để tiên đoán cho xu hướng của cặp tiền tương ứng. Các bạn còn nhớ ví dụ về GBPUSD mà Tôi đã nhắc đến trong cuốn sách này chứ. Đó chính là một ví dụ dễ nhận thấy nhất giữa sự chênh lệch lợi tức trái phiếu. Nhưng đó là xét trên mặt giao dịch riêng cho từng cặp tiền, vậy xét về giao động của chỉ số USD Index với lợi tức trái phiếu Mỹ thì sao.
Xét riêng USD Index và US 10 Years Bond Yield thì không được, các bạn sẽ cảm thấy rối vì có những thời điểm lợi tức trái phiếu ngược chiều với đồng USD, cũng có thời điểm lợi tức trái phiếu lại là chỉ báo sớm cho đồng USD.
Điều này được lý giải như sau: Trường hợp lợi tức giảm mà USD lại tăng là những giai đoạn đó có khủng hoảng niềm tin diễn ra, dòng tiền sẽ tìm về với trái phiếu Mỹ tăng cao khiến cho lợi tức giảm, mà để mua trái phiếu Mỹ thì phải dùng đến USD chứ không thể dùng đồng tiền khác được, do vậy mà dòng tiền tìm về với USD tăng cao, đẩy đồng USD lên, ngoài ra còn nhiều lý giải khác nữa.
Còn trong trường hợp lợi tức trái phiếu cùng chiều với USD, giả sử lợi tức trái phiếu giảm và đồng USD cũng giảm theo, trong trường hợp này thì người ta tìm đến trái phiếu Mỹ không phải vì khủng hoảng niềm tin nữa mà là người ta muốn tìm đến thứ tài sản an toàn trong khi thị trường hiện thời chưa rõ xu hướng. Đồng USD giảm có thể do nhiều nguyên nhân khác, như là EUR tăng quá mạnh cũng khiến cho USD giảm.
Trong bức hình trên là 3 trường hợp diễn biến của lợi tức trái phiếu và USD index với những phản ứng trái ngược nhau, tuy nhiên trong xu hướng dài hạn thì các diễn biến này đều có quy luật, và mỗi một giai đoạn mà chúng ta có cái nhìn khác về mối tương quan này. Còn rất nhiều sự so sánh tương quan khác nữa các bạn có thể tự tìm hiểu thêm, với các chỉ số chứng khoán khác nhau và các lợi tức trái phiếu ở các kỳ hạn khác nhau cũng như ở các quốc gia khác.
Ở vùng (1) là giai đoạn mà thị trường chứng khoán toàn cầu tăng rất ấn tượng, cùng thời điểm đó là dòng tiền tìm về USD tăng mạnh, kỳ vọng FED rút dần QE3 và nâng lãi suất đã khiến cho đồng USD liên tục tăng cao, thế nhưng một mối lo không kém khi mà thị trường chứng khoán tăng trong khi giá cả hàng hóa lại giảm, và những lo ngại trên đã khiến cho người ta tìm về với Trái phiếu Mỹ như một nơi an toàn để cất giữ tiền.
Vùng (2) đó là giai đoạn mà niềm tin của nhà đầu tư vào quyết sách của FED giảm xuống khi mà FED luôn miệng nói sẽ nâng lãi suất nhưng không hề nâng, cái đòn gió này phát huy hiệu quả trong suốt hơn nửa năm sau khi FED quyết định rút hết QE3 ra khỏi thị trường, và cũng chính vì thể cho nên đồng USD đi ngang trong suốt năm 2015, giá hàng hóa giảm quá mạnh đã kéo theo đó là lạm phát giảm và tệ hại hơn khi phải đối mặt với giảm phát.
Cái thời điểm này lợi tức trái phiếu tăng, giá trái phiếu giảm vì nhà đầu tư họ có được niềm tin vào các khoán đầu tư, thực ra thì trong suốt thời gian này trái phiếu không có biến động đột biến mà chỉ giao động trong phạm vi nhỏ, vậy nên cũng không thể tiên đoán được là có khủng hoảng niềm tin hay người ta chạy khỏi trái phiếu để đầu tư vào mặt hàng khác.
Còn trong (3) đó là thời điểm hiện tại, đồng USD giảm sau khi FED nâng lãi suất, bởi vì nhà đầu tư biết được FED nâng lãi suất lần này là rơi vào tình thế không còn cách nào khác, cái kỳ vọng nâng đó đã quá lâu và nếu như FED không nâng vào cuối năm 2015 thì sang năm 2016 đồng USD khó mà giữ được vị thế sức mạnh trước cuộc bầu cử tổng thống quan trọng được.
Vì là người ta biết được lạm phát quá thấp, thị trường hàng hóa giảm mạnh và thị trường trái phiếu đang có dấu hiệu bong bóng cho nên người ta nghĩ đến sự kiện FED nâng lãi suất chỉ là để kéo đồng USD lên, để cho nhà đầu tư cảm thấy tin tưởng vào những quyết định của FED hơn, từ đó mà kéo dòng tiền đầu tư vào Mỹ tăng lên, nâng vị thế của nước Mỹ tăng cao trước thềm bầu cử tổng thống.