Kỹ thuật Follow Trend với mô hình tam giác giảm
Giao dịch với các mô hình giá là một kỹ thuật giao dịch cổ điển dựa vào diễn biến tâm lý thị trường thể hiện trên các mô hình giá thay vì toán học và các phương pháp đo lường động lượng phức tạp. Bài viết tiếp trong serie này chúng ta sẽ nói về mô hình tam giác giảm, một trong những pattern phổ biến nhất. Hãy cùng khám phá bí ẩn đằng sau mô hình này trong bài viết hôm nay trên HaBinhFX.
Mô hình tam giác giảm là gì
1. Mô hình tam giác giảm là gì và nó hoạt động như thế nào?
Mô hình tam giác giảm (Descending Triangle) là một mô hình giá cổ điển thường được tìm thấy trong phân tích kỹ thuật. Mô hình này bao gồm các đỉnh thấp dần di chuyển về vùng hỗ trợ (Area Support), các đỉnh thấp dần cho thấy ưu thế của phe bán trên thị trường. Đây là dấu hiệu ám chỉ rằng người bán đang kiểm soát thị trường và sẵn sàng bán ở mức giá thấp hơn để phá vỡ vùng hỗ trợ.
Về cơ bản mô hình tam giác giảm sẽ đạt trạng thái cân bằng về Cung – Cầu về cuối mô hình với các nến có biên độ nhỏ hẹp, khi trạng thái này bị phá vỡ chính là lúc giá di chuyển.
Lý do khiến Tam giác giảm là mô hình giảm giá:
Áp lực bán mạnh và thiếu lực mua:
Thông thường, khi giá giảm, lực mua sẽ xuất hiện và đẩy giá lên. Tuy nhiên, trong mô hình Tam giác giảm dần, áp lực mua không đủ mạnh để đẩy giá lên. Ngược lại, người bán sẵn sàng bán ở mức giá thấp hơn, tạo ra các đỉnh thấp hơn liên tiếp.
Các lệnh chờ bán khống đặt phía dưới vùng hỗ trợ:
Vùng hỗ trợ thường thu hút nhiều lệnh mua với điểm dừng lỗ ngay dưới đó. Khi giá tiếp cận hỗ trợ mà không phá vỡ ngay lập tức, lệnh mua tăng lên. Tuy nhiên, nếu áp lực bán vẫn duy trì, các lệnh dừng lỗ sẽ bị kích hoạt khi hỗ trợ bị phá vỡ, tạo ra thanh khoản cho lệnh bán khống và đẩy giá giảm mạnh sau khi breakout.
Hướng phá vỡ của mô hình tam giác giảm
Chính vì những lý do trên nên theo Kirkpatrick & Dahlquist: mô hình Descending Triangle phá vỡ xuống dưới với tỉ lệ 64% nhiều hơn khá nhiều so với tỷ lệ phá lên khi hoàn thành mô hình 36%.
Hiệu suất của giá phá vỡ mô hình tam giác giảm
Hiệu suất của giá phá vỡ mô hình Descending Triangle được đưa ra như sau:
Giá phá vỡ lên: sau khi giá hoàn thành target từ cú phá vỡ lên thì xác suất để giá không thể tăng thêm ít nhất 5% chỉ chiếm khoảng 7% tổng thời gian đồng nghĩa với việc xu hướng tăng sẽ được hình thành với xác suất 93%; sau khi giá hồi lại 20% từ mức tăng tối đa sẽ có 47% khả năng giá sẽ tiếp tục tăng.
Giá phá vỡ xuống: sau khi giá hoàn thành target khi phá vỡ xuống thì giá không thể giảm thêm ít nhất 5% chỉ chiếm khoảng 16% tổng thời gian đồng nghĩa với việc xu hướng giảm sẽ tiếp tục với xác suất 84%; trung bình mức giá chạy tối đa sau khi bán và trước khi giá hồi lại 20% là 16%.
Mục tiêu giá của mô hình tam giác giảm
Vì mô hình tam giác giảm có hai khả năng break out với tỷ lệ lần lượt cho phá lên và phá xuống là 64% và 36% nên chúng ta cũng có các công thức tính target khác nhau. Cụ thể:
- Giá phá vỡ lên của mô hình tam giác giảm
- Giá phá vỡ + ((Giá cao nhất của tam giác – Giá thấp nhất của tam giác)x 84%)
- Giá phá vỡ xuống của mô hình tam giác giảm:
- Giá thấp nhất của tam giác – ((Giá cao nhất của tam giác – Giá thấp nhất của tam giác)x 54%)
2. Kỹ thuật Follow Trend với mô hình tam giác giảm.
Bán khi giá phá vỡ hỗ trợ
Đây là cách phổ biến nhất khi giao dịch với mô hình Tam giác giảm. Khi giá phá vỡ vùng hỗ trợ, đó là dấu hiệu mạnh cho thấy thị trường đã sẵn sàng Down. Hầu hết các trader đều nằm lòng cách thức này.
Bán khi giá test lại đỉnh của Tam giác giảm (biên độ hẹp)
Một chiến lược khác là chờ giá test lại đỉnh của Tam giác sau khi đã hình thành các đỉnh thấp dần. Khi giá tiếp cận đỉnh với biên độ hẹp, đó là cơ hội tốt để vào lệnh bán. Điểm dừng lỗ của lệnh này chúng ta sẽ đặt phía trên Swing high (Vùng đỉnh gần nhất) – Hoặc các bạn có thể mở chỉ báo ATR ra và cộng thêm 1 ATR vào trên Swing high này!
Đợi cú re-test sau breakout
Vậy câu hỏi được đặt ra tiếp theo chính là: nếu chúng ta bỏ lỡ cú Breakout khỏi đường hỗ trợ thì sao? Tâm lý chung chắc chắn sẽ là FOMO, SELL theo thị trường. Tuy nhiên đừng bao giờ cố lên một chuyến tàu đã rời ga.
Hãy kiên nhẫn chờ đợi một cú re-test. Thay vì đặt lệnh Sell limit bán ngay tại vùng phá vỡ trước đó, hãy chờ xác nhận từ các mẫu nến đảo chiều như Shooting Star, Bearish Engulfing trước khi vào lệnh. Điều này giúp tránh rủi ro khi giá có thể tiếp tục tăng cao hơn.
Trong ví dụ trên chúng ta không phải chờ đợi giá quay lại vùng hỗ trợ trước đó để vào lệnh mà là chờ mô hình giá Dark Cloud Clover hình thành để khẳng định sự tiếp diễn của xu hướng giảm.
Chiến lược “The First Pullback”
Vậy nếu lỡ giá không Re-test sau khi phá vỡ thì sao? Chiến lược “The First Pullback” sau đây có thể là câu trả lời cho các bạn.
First Pullback là vùng giá có biên độ hẹp di chuyển sideway sau khi Breakout được hình thành, First Pullback có thể là vùng giá di chuyển ngang theo range hoặc mô hình cụ thể.
Đợi một pullback đầu tiên xảy ra. Cú pullback phải xảy ra với những cây nến nhỏ – và nó không được vượt qua Trung bình (MA) 20 kỳ. Một cú pullback nông (giá sideway trong thời gian ngắn) cho thấy áp lực bán vẫn rất mạnh. Chúng ta sẽ đặt lệnh chờ bán khi giá phá khỏi cạnh dưới của “The first Pull-back’’.
Và điểm dừng lỗ của chúng ta có thể là 1 ATR trên đỉnh của cú Pullback này (hoặc đặt phía trên đường 20MA).
Lưu ý quan trọng:
Không nên giao dịch đuổi theo thị trường. Nếu giá breakout mà không có re-test hoặc pullback, hãy kiên nhẫn chờ tín hiệu rõ ràng hơn.
Sự nhất quán trong các điểm vào lệnh và vùng stoploss là yếu tố quyết định sự thành công khi giao dịch với mô hình Tam giác giảm.
3. Phương pháp thoái lệnh để có được lợi nhuận tối đa?
Khi các bạn đã vào đúng lệnh breakout theo mô hình Tam giác giảm, thì việc chốt lời như thế nào sẽ đóng vai trò quan trọng để tối ưu hóa lợi nhuận và đảm bảo tỷ lệ R/R hợp lý. Dưới đây là hai phương pháp phổ biến giúp bạn chốt lời tốt hơn:
Dự báo giá (Price Projection)
Đây là phương pháp chốt lời dựa trên ước lượng mục tiêu giá, thường được áp dụng trong phân tích kỹ thuật cổ điển.
Cách thực hiện:
- Đo khoảng cách từ đỉnh cao nhất đến đáy thấp nhất của Tam giác giảm.
- Chiếu khoảng cách này từ điểm breakout để dự đoán mục tiêu giá.
- Mục tiêu giá là điểm có chiều cao bằng với khoảng cách trên tính từ điểm breakout.
Vài lời khuyên:
Nếu giá gần chạm mục tiêu, bạn có thể cân nhắc chốt lời sớm để đảm bảo lợi nhuận.
Ngoài ra với ước lượng giá bạn sẽ đưa ra các quyết định khi đã lỡ cú Breakout, liệu rằng có nên vào lệnh hay không nếu giá đã tiến gần đến mục tiêu dự báo. Đối với các mô hình giá cổ điển, việc ước lượng mục tiêu giá này tuy nó mang màu sắc mơ hồ, nhưng nó là cả một Logic ở trong đó.
Với việc mô hình tam giác là một mô hình mà Cung-Cầu sẽ đạt cân bằng ở cuối mô hình (Các nến nhỏ dần, biên độ hẹp dần) thì sau khi phá vỡ khỏi mô hình ( breakout) sẽ có một lượng bán ít nhất bằng với lượng mua trước đó cho nên mục tiêu giá phải ít nhất bằng với chiều cao của lực tăng trước đó!
Trên đây là cách thứ nhất để chốt lời với mô hình tam giác giảm. Chúng ta sử dụng mục tiêu giá, cách thứ 2 chúng ta sẽ sử dụng Trailing Stop – Có nghĩa là giữ lệnh đến khi nào có dấu hiệu đảo chiều.
Trailing Stop Loss
Thay vì dự báo một mục tiêu giá cố định, Trailing Stop cho phép bạn giữ lệnh cho đến khi có tín hiệu đảo chiều. Phương pháp này giúp bạn tối đa hóa lợi nhuận trong xu hướng mạnh mà không sợ chốt lời quá sớm, tuy nhiên phương pháp này có một nhược điểm chính là chúng ta có thể rơi vào trạng thái ‘’hòa vốn’’ nếu xu hướng không thực sự ổn định!
Cách thực hiện:
- Xác định loại xu hướng bạn muốn nắm bắt (ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn).
- Sử dụng các đường trung bình động (MA20 cho ngắn hạn, MA50 cho trung hạn, MA100 cho dài hạn).
- Thoát lệnh khi giá đóng cửa vượt qua đường trung bình đã chọn.
Ví dụ: Trong biểu đồ sau, nếu các bạn folloe trend theo xu hướng ngắn hạn, hãy trailing stop theo đường MA20 và thoát lệnh khi giá đóng cửa vượt lên trên đường MA này.
Nên chọn phương pháp nào?
Không có phương pháp nào là “tốt nhất” cho mọi tình huống. Lựa chọn phụ thuộc vào mục tiêu giao dịch của bạn:
Nếu bạn muốn trade một cú swing ngắn: Hãy sử dụng dự báo mục tiêu giá.
Nếu bạn muốn theo đuổi xu hướng dài hạn: Trailing Stop sẽ là lựa chọn phù hợp hơn.
4. Sử dụng khối lượng (Volume) để xác nhận mô hình tam giác giảm
Cùng đến với một ví dụ trên biểu đồ sau
Có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng thị trường đang giảm với quyền kiểm soát đang hoàn toàn thuộc về phe Sell. Sau giai đoạn giảm giá với cường độ và khối lượng mạnh giá đã không thể tiếp tục đi quá xa nên phải cần một khoảng nghĩ để tái cấu trúc lại thị trường.
Hãy chú ý đến mô hình giá trong giai đoạn tái cấu trúc này.
Càng về cuối mô hình các đỉnh được tạo ra ngày càng có thiên hướng giảm dần.
Từ các đỉnh này giá cũng không thể nào phá vỡ đường hỗ trợ màu đỏ.
Các nến nhỏ với biên độ hẹp xuất hiện ngày càng nhiều chứng tỏ thị trường đã đạt trạng thái cân bằng về cung – cầu.
Và đặc biệt hãy bật Volume lên nào, đúng rồi! khối lượng trong giai đoạn tái cấu trúc này ngày càng giảm đến mức cạn cung vào cuối mô hình.
Đến đây ta có thể khẳng định đây chính là mô hình tam giác giảm và giá sẽ Breakout khi khối lượng gia tăng đột biến.
Đến đây chúng ta sẽ có thêm cho mình một đặc điểm nhận dạng cho mô hình Descending Triangle đó là volume giảm dần, mặc dù đối với thị trường Forex volume của chúng ta sẽ là Stick Volume thể hiện số lần giá thay đổi trên một đơn vị thời gian, tuy nhiên về mặt bản chất loại volume này vẫn có thể áp dụng.
Kết luận
Trên đây là toàn bộ nội dung về mô hình tam giác giảm, một trong những mô hình giá cổ điển trên thị trường. Nếu thấy hay hoặc yêu thích nội dung này hãy để lại comment bên dưới! Hẹn gặp lại các bạn ở các bài viết tiếp theo!
Cùng tiếp tục theo dõi HabinhFx để đón đọc các phần tiếp theo. Đồng thời nếu các bạn muốn tìm hiểu chuyên sâu về SMC có thể đặt mua sách tại đây. Đậy là quyển sách do chính tác giả viết và đã được xuất bản trên Amazon. Trân trọng!