Carry Trade là gì? Ví dụ về Carry Trade.( phần 2)
1. Carry Trade là gì?
Thuật ngữ Carry Trade có lẽ còn khá mới mẻ với khá nhiều bạn, thực ra hình thức carry trade này đã được nhiều nhà đầu tư, nhiều quỹ đầu tư lớn áp dụng, và thực tế là về mặt dài hạn thì những giao dịch carry trade lại trở thành những giao dịch mang lại lợi nhuận tốt nhất và an toàn nhất.
Các bạn có thể xem lại chương trước Tôi đã từng nhắc đến carry trade với đồng AUDJPY, NZDJPY. Trong thực tế hàng thập niên qua người ta đã thực hiện carry trade này và kéo tỉ giá 2 cặp tiền này lên rất cao.
Không chỉ riêng 2 cặp tiền trên mà carry trade còn được áp dụng trong giai đoạn biến động khác của thị trường, ví dụ như giai đoạn FED thực hiện chính sách lãi suất 0.25% hiện nay thì việc nhà đầu tư thực hiện carry trade với kỳ vọng bán đồng USD để mua đồng tiền có lãi suất cao hơn là sẽ có.
Tuy nhiên với đồng USD thì người ta lại ít khi thực hiện carry trade, trong giai đoạn hiện nay mặc dù lãi suất đồng USD là thấp thế nhưng đồng USD lại là đồng tiền chủ chốt trong nền kinh tế toàn cầu và tỉ lệ giao dịch rất lớn cộng với đó là kỳ vọng nâng lãi suất của FED đã khiến đồng USD tăng cao từ năm 2014 cho đến nay, cho nên việc thực hiện carry trade với đồng USD rất là mạo hiểm.
Trong khuôn khổ loạt bài viết này Tôi sẽ chỉ nói đến carry trade trong giao dịch tiền tệ, còn trong thực tế cuộc sống hàng ngày của chúng ta carry trade được thực hiện rộng khắp các mặt hàng khác nhau và phạm vi ảnh hưởng là tương đối rộng lớn. Bởi vì đa phần là chúng ta thực hiện giao dịch với các cặp tiền.
Theo Investopedia định nghĩa: “Carry Trade”
Một chiến lược kinh doanh có liên quan đến vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư vào một tài sản mà cung cấp tỉ lệ lợi nhuận cao hơn. Một carry trade thường dựa trên việc vay một đồng tiền lãi suất thấp và chuyển đổi số tiền đó vào một đồng tiền khác có lãi suất cao hơn, với số tiền chênh lệch thu được là
(a) được đặt trên tiền gửi bằng đồng tiền thứ hai nếu nó cung cấp một lãi suất cao hơn, hoặc triển khai thành tài sản (b) – chẳng hạn như mua cổ phiếu, hàng hóa, trái phiếu, hoặc bất động sản – mà được tính bằng đồng tiền thứ hai.
Trong quá trình thực hiện giao dịch sẽ có những rủi ro lớn như: nguy cơ sụt giảm mạnh về giá của các tài sản đầu tư, và các rủi ro ngoại hối tiềm ẩn với đồng tiền ngoại hối mà nhà đầu tư vay để thực hiện carry trade.
DEFINITION of ‘Carry Trade’
A trading strategy that involves borrowing at a low interest rate and investing in an asset that provides a higher rate of return. A carry trade is typically based on borrowing in a low-interest rate currency and converting the borrowed amount into another currency, with these proceeds either
(a) placed on deposit in the second currency if it offers a higher rate of interest, or (b) deployed into assets – such as stocks, commodities, bonds, or real estate – that are denominated in the second currency.
Carry trades are strategies that are only appropriate for deep-pocketed entities because of two major risks – the risk of a sharp decline in the price of the invested assets, and the implicit exchange risk when the funding currency differs from the borrower’s domestic currency.
Trong những đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới hiện tại thì người ta đặc biệt quan tâm đến đồng Yên Nhật vì bản chất nền kinh tế Nhật là lấy xuất cảng làm trọng và các chính sách tiền tệ của Nhật có phần nới lỏng hơn so với hầu hết các ngân hàng trung ương khác, do đó đa phần những nhà đầu tư họ tìm đến đồng Yên vừa là để trú ẩn mỗi khi có biến động tài chính hay nợ công mà còn là để thực hiện giao dịch carry trade mang về lợi nhuận nữa.
Thật là tuyệt vời nếu vừa có thể kiếm được lợi nhuận từ việc chênh lệch lãi suất của các ngân hàng trung ương lại vừa có thể kiếm được lợi nhuận từ giao dịch bán đồng Yên đúng không các bạn. Vì như đã nhấn mạnh rất nhiều là Nhật Bản lấy xuất cảng làm trọng cho nên chính phủ Nhật luôn mong muốn đồng JPY giảm giá càng thấp so với USD và các đồng tiền khác.
Cũng chính vì đặc điểm trên mà hàng thập niên qua người ta thực hiện carry trade với đồng JPY rất nhiều và đẩy đồng JPY xuống thấp hơn so với các đồng tiền khác. Mặt khác việc bán đồng JPY là một nửa câu chuyện, việc còn lại là sẽ dùng đồng JPY để mua đồng tiền nào, đó mới là cái quan trọng. Các ví dụ dưới đây sẽ cho các bạn những cái nhìn tương đối về việc kết hợp carry trade giữa đồng JPY và đồng tiền nào.
2. MỘT SỐ VÍ DỤ THỰC TIỄN GIAO DỊCH CARRY TRADE VỚI CÁC CẶP TIỀN:
Có thể nhiều bạn sẽ nghĩ rằng Carry trade sẽ chỉ phù hợp với những giao dịch dài hạn, thế nhưng không hẳn là như vậy, với bản thân Tôi cũng là một speculator và lệnh giữ thường không quá lâu thế nhưng Tôi vẫn thường xuyên thực hiện các giao dịch carry trade với đồng JPY và các đồng tiền có lãi suất cao hơn.
Tất nhiên là trong các giao dịch đó đều phải xét đến yếu tố cơ bản và kỹ thuật xác nhận trong từng sự kiện nữa. Bản chất của Carry trade là mượn đồng tiền có lãi suất thấp hơn để mua đồng tiền có lãi suất cao hơn.
Và cũng phần vì Carry trade thường được thực hiện với đồng JPY và đồng JPY cũng là một đồng tiền đóng vai trò tài sản trú ẩn mỗi khi có biến động cho nên Tôi sẽ đưa carry trade vào nhóm các giao dịch với lớp tài sản an toàn.
Ví dụ: Nhà đầu tư thực hiện carry trade với cặp tiền AUD/JPY và NZDJPY trong phần lớn thời gian kể từ những năm đầu thập niên 90 đến nay.
Trong suốt quãng thời gian dài từ những năm đầu thập niên 90 đến nay lãi suất của Nhật luôn ở mức rất thấp, với đặc thù nền kinh tế già hóa và tăng trưởng quá nhanh trong những thập niên trước đó cho nên việc nền kinh tế đi xuống và rơi vào khủng hoảng đã khiến cho Chính phủ Nhật luôn phải thực hiện chính sách nới lỏng kéo dài, mặc dù lãi suất gần như cho không thế nhưng có vẻ như nó vẫn chưa đủ sức thuyết phục nhà đâu tư vay vốn để đầu tư kinh doanh.
Cũng thêm vào đó cú sốc trên thị trường năm 2008 đã lại càng làm cho mọi nỗ lực của Chính phủ Nhật trong việc kéo thấp giá trị đồng Yên xuống thất bại. Với lý do trên mà sau cuộc khủng hoảng đó chính phủ Nhật đã phải thực hiện thêm các biện pháp nới lỏng trong việc cung tiền ra thị trường, biện pháp này sau đó được gọi là Abenomics.
Khi Nhật rơi vào suy thoái kéo dài và lãi suất luôn ở mức rất thấp như thế thì nó lại trở thành cơ hội để các nhà đầu tư thực hiện việc mượn đồng JPY để mua vào các đồng tiền khác có lãi suất cao hơn.Khác với đa phần các ngân hàng trung ương khác, Bank of Japan (BOJ) luôn muốn kéo thấp giá trị của đồng Yên vì nhiều lý do trong đó có một lý do là nợ công của Nhật rất lớn và phần lớn trong số đó đến từ vay của chính người dân.
Do đó việc giá trị đồng Yên càng giảm thấp thì Chính phủ Nhật sẽ bớt được gánh năng nợ công, hơn nữa lại có thể khiến cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật phát triển tốt hơn và thuận lợi hơn trong việc xuất cảng. Đó là những lý do chính mà nhà đầu tư và cả chính phủ Nhật luôn mong muốn đồng JPY giảm thấp, nhưng với chính người dân Nhật mua trái phiếu chính phủ thì họ lại không mong muốn điều này.
Thế còn chính sách lãi suất của chính phủ Úc thì sao: suốt quãng thời gian dài từ từ thập niên 90 cho đến nay lãi suất của RBA luôn ở mức cao và thường cao hơn rất nhiều so với đa số các ngân hàng trung ương khác. Với đặc thù nền kinh tế là khai khoáng và xuất khẩu các mặt hàng kim khoáng quặng làm trọng cho nên những biến động của đồng tiền AUD tương quan chặt chẽ với biến động của giá cả hàng hóa.
Bên cạnh đó chênh lệch lãi suất của Úc với các quốc gia khác là tương đối cao cho nên đồng AUD là điểm đến cho các hoạt động carry trade.
Còn với New Zealand thì sao: đặc thù nền kinh tế lấy nông nghiệp làm trọng, và biến động của đồng NZD tương quan chặt chẽ với giá hàng hóa, đặc biệt là giá sữa. Có một điều các bạn cần lưu ý đó là tương quan chặt chẽ giữa đồng AUD và NZD là gần giống nhau, cũng vì đặc thù vị trí địa lý của 2 quốc gia này gần kề nhau và thương mại với Trung Quốc là rất lớn cho nên những biến động của 2 đồng tiền này tương đồng nhau đến khoảng 80%.
Do đó thường thì khi phân tích người ta sẽ lấy đại diện đồng AUD trade thế cho đồng NZD. Về chính sách lãi suất thì cũng tương tự như Australia, khi lãi suất của RBNZ cũng luôn cao hơn tương đối so với các ngân hàng trung ương khác. Cũng chính vì lý do này mà người ta cũng thực hiện carry trade với đồng tiền này tương đối lâu trong suốt hàng thập niên.
Với nền kinh tế Canada cũng tương tự như Úc và New Zealand khi cũng là quốc gia lấy xuất khẩu hàng hóa làm chủ lực, khác với 2 quốc gia trên Canada là quốc gia có trữ lượng dầu rất lớn và nằm trong số những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Vậy nên những biến động của giá dầu đều tác động đến đồng CAD.
Với đặc điểm lãi suất luôn ở mức cao so với các ngân hàng trung ương khác, và điều chỉnh lãi suất không giống như FED hay ECB…, với mức chênh lệch lãi suất tương đối như vậy thì nhà đầu tư cũng tìm đến đồng CAD để thực hiện carry trade trong suốt quãng thời gian tương đối dài trước cuộc khủng hoảng năm 2008.
Một số rủi ro cần phải được nhắc đến trong quá trình thực hiện carry trade là việc thực hiện giao dịch với chênh lệch lãi suất chỉ xảy ra trong điều kiện lý tưởng, tức là giá trị của đồng tiền chúng ta thực hiện carry trade là không thay đổi trong suốt quãng thời gian đó. Thế nhưng điều đó lại không bao giờ xảy ra với các đồng tiền tệ, vậy nên để có thể thực hiện tốt carry trade cần phải đảm bảo 2 yếu tố quan trọng nhất như sau:
Thứ nhất là chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền là phải đủ lớn để hấp dẫn được các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư…, Thứ hai và cũng là điều rất quan trọng đó là volatility (biến động) của đồng tiền thực hiện carry trade phải thấp, vì lý do này cho nên thường người ta chọn các đồng tiền hàng hóa để thực hiện carry trade với đồng JPY.
Nói rõ hơn một chút trong giai đoạn trước khủng hoảng 2008 cặp AUDJPY, NZDJPY luôn tăng rất mạnh và trend tăng dường như là trend chủ đạo và không quá khó để nhận ra người ta đang thực hiện carry trade, điều mà các bạn cần nắm vững trong khi phân tích carry trade đó là khi có được sự chênh lệch lãi suất đủ lớn rồi và các thông tin trên thị trường cùng với những biến động của thị trường là phải hỗ trợ cho giá cả hàng hóa tăng, mà trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng thì nhu cầu tiêu thụ hàng hóa mới tăng.
Lạm phát qua đó mới tăng, cho nên trong các thời kỳ kinh tế tăng trưởng thì là lúc chúng ta nghĩ đến việc thực hiện carry trade với các đồng tiền hàng hóa và đồng JPY.
Riêng với đồng JPY thì có thể phải rất lâu nữa mới thoát khỏi giai đoạn suy thoái như hiện này, và vấn đề già hóa dân số sẽ khiến cho Nhật thiếu trầm trọng nguồn lực lao động và sự già nua lạc hậu của nền kinh tế so với các quốc gia mới nổi và phát triển khác sẽ là vấn đề nhức nhối khiến cho các chính sách nới lỏng của Nhật sẽ còn phải kéo dài tương đối lâu nữa.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng Dotcom cho đến khi cuộc khủng hoảng năm 2008 bắt đầu là quãng thời gian người ta thực hiện carry trade nhiều nhất với các cặp tiền AUDJPY, NZDJPY, CADJPY.
Vậy thì cái mà các trader cần nắm vững ở đây là gì: khi các bạn có được mức chênh lệch lãi suất tương đối lớn và việc phân tích tình hình kinh tế đều cho thấy sự tích cực của nhu cầu sử dụng hàng hóa thì các bạn chuyển sang trade các cặp tiền trên với một xu hướng chính là mua lên, thì tỉ lệ các bạn kiếm được lợi nhuận cao là tương đối tốt hơn so với việc các bạn cứ mua và bán cùng một cặp tiền trong cùng khoảng thời gian.
Trên đây là ví dụ về mặt dài hạn, nó sẽ không phù hợp với đa phần Trader Việt là đầu cơ ngắn hạn, thế nhưng không nhất thiết các bạn phải bắt được đúng đáy của xu hướng, mà cái các bạn cần quan tâm đó là xác định được thời điểm nào người ta thực hiện carry trade để biết mà follow, chúng ta chỉ cần theo được từng khoảng ngắn thôi, nhưng làm đều đặn trong suốt quãng thời gian người ta thực hiện carry trade là cũng kiếm được rất nhiều tiền rồi.
Tôi sẽ lấy một vài ví dụ ngắn trong khung thời gian nhỏ vào giai đoạn trước năm 2008 nhé, thời điểm mà RBA, RBNZ, BOC công bố lãi suất.
Có một điều cần lưu ý là khi các bạn phân tích mà thấy BOC nâng lãi suất hoặc cắt giảm lãi suất thì lúc đó người ta sẽ chạy sang trade với 2 đồng tiền AUD và NZD chứ không phải là tập trung vào đồng CAD nữa, đó là một kinh nghiệm phân tích liên thị trường mà các bạn trade lâu năm sẽ hiểu.
Cho nên thường khi Tôi đọc được các thông tin nói về việc BOC cắt giảm lãi suất hoặc trong lúc công bố lãi suất là có cắt giảm giảm thì ngay lúc đó Tôi quay sang short 2 đồng tiền AUD và NZD với kỳ vọng rằng RBA và RBNZ cũng sẽ làm tương tự. Vì 3 quốc gia này đều phụ thuộc vào giá cả hàng hóa và đồng tiền của 3 quốc gia trên cũng được xem là đồng tiền hàng hóa.
Một ví dụ trong ngắn hạn vào ngày 26/4/2007 khi RBNZ công bố nâng lãi suất ngắn hạn từ 7,5% lên 7,75%. Giai đoạn này không chỉ riêng New Zealand mà ngay cả FED cũng nâng lãi suất lên mức rất cao vì lo ngại chính sách nới lỏng sẽ khiến thị trường bất động sản đổ vỡ, mãi cho đến đầu năm 2008 sau khi các tổ chức tài chính lớn phá sản thì lúc này đây FED mới phải cắt giảm lãi suất liên tục về mức thấp kỷ lục như hiện nay.
Trong khoảng thời gian tương đối dài trước đó nhà đầu tư vẫn luôn kỳ vọng RBNZ sẽ nâng lãi suất kéo theo đó là RBA cũng nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 1996 (các bạn thấy rõ ở bức hình phía trên đó). Cái mà các trader ngắn hạn như chúng ta cần quan tâm đó là khi RBA, RBNZ có xu hướng tăng lãi suất ngắn hạn trong một khoảng thời gian dài thì cái chúng ta hướng đến chính là thực hiện carry trade với AUDJPY và NZDJPY.
Trong bối cảnh khi thị trường nhà đất Mỹ đang phát tăng nhanh một cách chóng mặt và các nhà quản lý thị trường nhận thấy sự bất ổn trong đó cho nên họ đã phải liên tục nâng lãi suất để kìm hảm tốc độ tăng trưởng của thị trường nhà đất lại, thế nhưng việc nâng lãi suất lại bóp chết các tổ chức tài chính trước đó đã vay vốn để đầu tư vào thị trường nhà đất,
Cũng chính điều này đã khiến cho hàng loạt tổ chức tín dụng vỡ nợ. Điều cần nhận thấy ở đây là thị trường chứng khoán liên tục tăng kéo theo đó là thị trường hàng hóa tăng mạnh, cũng chính vì điều này cho nên sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Úc và New Zealand là tương đối tốt. Và việc RBNZ thực hiện nâng lãi suất hồi đầu năm 2007 đến cuối năm 2007 lên mức 8,25%, con số quá cao lúc bấy giờ.
Và đến cuối năm 2007 thì lãi suất của ngắn hạn của New Zealand đã tăng lên đến con số kỷ lục kể từ năm 1996 lên mức 8,25%.
Chỉ lấy ví dụ trong quãng thời gian ngắn này thôi các bạn cũng dễ dàng nhận thấy tình hình kinh tế đang tăng trưởng tốt và việc giá cả hàng hóa tăng cao giai đoạn này khiến cho lạm phát tăng lên mức tương đối cao (các bạn kiểm chứng lại ở chương cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008), khi lạm phát gia tăng trên toàn cầu thì các ngân hàng buộc phải thực hiện chính sách nâng lãi suất ngắn hạn để kìm hãm tốc độ tăng nhanh của lạm phát.
Cũng chính vì vậy cho nên người ta đặt kỳ vọng vào việc nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương trong đó đặc biệt chú ý đến RBA và RBNZ. Việc giải thích sự kiện đã xảy ra tương đối lâu này sẽ không thể nào đầy đủ được cho nên các bạn có thể hiểu những cái cơ bản như sau: lãi suất của RBA và RBNZ tăng cao trong bối cảnh giá hàng hóa tăng, cái này thì chắc hẳn các bạn đã hiểu rõ, mối lo lạm phát gia tăng sẽ tác động rất lớn đến phát triển kinh tế.
Vậy mới kết luận rằng lạm phát và lãi suất là hai mặt của một vấn đề, khi lạm phát tăng cao thì Ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất, và giá cả hàng hóa giảm xuống thì đó chính là dấu hiệu báo trước rằng lạm phát trong tương lai sẽ giảm xuống, điều này giải thích vì sao khi thị trường hàng hóa giảm xuống kể từ năm 2014 đến nay đã kéo theo hệ lụy là các ngân hàng trung ương phải giảm lãi suất cơ bản ngắn hạn.
Trong các bài viết sau Tôi sẽ nói chi tiết hơn nữa về lạm phát. Và nhân đây cũng nhắc lại lý do mà FED luôn phát biểu là sẽ nâng lãi suất trong năm 2015, thế nhưng khi lạm phát đang còn chưa đạt mục tiêu 2% thì có lẽ FED sẽ không giám mạo hiểm nâng lãi suất đâu, và bằng chứng là nguyên một năm 2015 này FED không hề nâng lãi suất mà chỉ dùng chiêu “giữ nguyên lộ trình nâng” để kéo đồng USD tăng lên mà không cần phải nâng phân lời.
Tiếp đến là việc RBA cũng nâng lãi suất sau khi RBNZ liên tục nâng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 1996. Điều mà các bạn lưu ý không chỉ riêng trong carry trade giai đoạn này mà bất cứ thời điểm nào, sự tương đồng giữa 2 đồng tiền này cũng như chính sách tiền tệ của RBA và RBNZ là gần như tương đồng với nhau.
Vậy nên khi các bạn có được tin tức công bố rằng RBA nâng hay giảm lãi suất thì việc cần quan tâm chính là kỳ vọng rằng tương tự RBNZ cũng sẽ làm điều hoặc ngược lại khi RBNZ công bố nâng hoặc giảm lãi suất thì các bạn hãy đặt kỳ vọng vào việc RBA làm điều như thế. Thay vì cứ tập trung vào việc RBA và RBNZ nâng hay giảm lãi suất thì các bạn hãy chuyển sự chú ý đó sang việc kỳ vọng khi có được thông tin cần thiết. Câu nói Buy the Rumor, Sell the Fact là như thế này đó.
Và đến đầu tháng 3/2008 thì RBA đã nâng lên mức lãi suất kỷ lục 7.25% kể từ năm 1996.
Trong bức hình trên mô phỏng lại thời điểm mà RBNZ nâng lãi suất và duy trì trong khoảng thời gian tương đối dài cho đến việc RBA nâng lãi suất lên mức cao kỷ lục vào tháng 3/2008. Mặc dù phần lớn nhà đầu tư thực hiện carry trade trong giai đoạn này thế nhưng khi cuộc khủng hoảng đang bắt đầu lan rộng thì việc đồng JPY tăng lên trong khi chính sách lãi suất vẫn rất thấp là điều dễ nhận thấy.
Mặc dù vậy mỗi khi RBA hay RBNZ nâng lãi suất thì thời điểm đó dòng tiền chạy vào thực hiện carry trade với 2 cặp tiền này vẫn tăng rất cao.
Dữ liệu ở Forexfactory chỉ có thể cập nhật cho đến thời điểm 2007 do vậy tôi không thể lấy đầy đủ data để chứng minh được và đưa ra những ví dụ thực tiễn ngắn hạn, để đơn giản hóa các ví dụ carry trade tôi sẽ lấy 1 ví dụ với cặp chính các cặp tiền trên trong giai đoạn cuối năm 2012 đến đầu năm 2013.
Trong giai đoạn này mặc dù RBA giảm lãi suất tuy nhiên vẫn ở mức cao so với lãi suất cảu BOJ, còn riêng với RBNZ thì mặc dù lãi suất thực hiện là không cao so với BOJ tuy nhiên cặp tiền AUDJPY và NZDJPY vẫn tăng rất mạnh.
Sẽ có nhiều mâu thuẫn trong giai đoạn này vì đáng lẽ ra khi kinh tế trì trệ thì RBA và RBNZ cắt giảm lãi suất, đồng AUD và NZD đáng lẽ sẽ phải giảm so với các đồng tiền khác, thế nhưng cặp tiền AUDJPY và NZDJPY vẫn tăng rất ấn tượng. Điều này được lý giải chính là dòng tiền thực hiện carry trade tăng vọt.
Tuy là có giảm lãi suất thế nhưng mức lãi suất của RBA vẫn duy trì ở trên 3%, mức chênh lệch tương đối lớn so với lãi suất của BOJ. Mặc dù trong giai đoạn này giá cả hàng hóa giảm mạnh (từ tháng 9/2012 – 2/2013), có một chút mâu thuẫn ở thời điểm này.
Cũng trong giai đoạn này Ngân hàng trung ương Canada thực hiện nâng lãi suất lên mức 1%. Về lý thuyết thì với mức lãi suất 1% thì không thể thu hút nhà đầu tư tìm đến thực hiện carry trade được, thế nhưng trong gian đoạn này đồng JPY liên tục giảm mạnh vì những chính sách siêu nới lỏng cảu BOJ và trong giai đoạn này đã thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu cho nên dòng tiền sẽ không tìm đến trú ẩn với đồng JPY nữa.
Trong giai đoạn hiện nay thì việc carry trade sẽ không còn được người ta chú trọng nữa, thế nhưng trong tuơng lai khi nền kinh tế thế giới đã phục hồi tăng trưởng trở lại thì việc các ngân hàng trung ương thực hiện nâng lãi suất đó là điều dễ hiểu, và một khi mức chênh lệch lãi suất đủ lớn thì người ta sẽ lại quay về với trò chơi carry trade này, lúc đó cũng sẽ là những cơ hội để các bạn có thể áp dụng và thực kiếm tiền từ sự chênh lệch lãi suất này.
Ngoài việc thực hiện carry trade với các cặp tiền trên thì cũng ta cũng có thể thực hiện với các cặp tiền có mức chênh lệch lãi suất tương đối lớn khác nữa. Có một vài lưu ý là để có thể nhận ra được giai đoạn nào người ta thực hiện carry trade, giai đoạn nào thì đó là sự tác động của tình hình sức khỏe kinh tế phản ảnh lên giá trị của đồng tiền, cái này các bạn sẽ phải tiến hành xác định sự tương quan giữa chênh lệch lãi suất và Volatility như đã nói ở phần đầu.