Quỹ ETFs là gì? Ngày này các quỹ đầu tư ETFs phát triển rất mạnh và dường như một phần xu hướng của thị trường cũng bị chi phối bởi những hành động của các quỹ đầu tư này. Hơn nữa ngày nay người ta có xu hướng đầu tư vào các quỹ ETFs này rất nhiều Do vậy thật là thiếu sót nếu như chúng ta không để tâm đến những hành động mua bán của các quỹ như thế này. Theo Investopedia thì ETFs được định nghĩa như sau:
Exchange-Traded Fund (ETF):
ETF tức là quỹ giao dịch trao đổi, là một quỹ đầu tư an toàn, mà theo dõi các chỉ số, hàng hóa, trái phiếu, hoặc một rổ các tài sản như một quỹ chỉ số. Không giống như các quỹ tương hỗ, ETF đưuọc giao dịch như một cổ phiếu phổ thông trên thị trường chứng khoán. ETFs có kinh nghiệm thay đổi giá trong suốt cả ngày khi chúng được mua và bán. ETFs thường có thanh khoản hàng ngày cao hơn và mức phí thấp hơn so với cổ phiếu quỹ, tạo thành một sự thay thế hấp dẫn cho các nhà đầu tư cá nhân.
Bởi vì nó kinh doanh như một chứng khoán, ETF không có giá trị tài sản ròng (NAV) tính toán một lần vào cuối mỗi ngày giống như một quỹ tương hỗ.
DEFINITION of ‘Exchange-Traded Fund (ETF)’
An ETF, or exchange traded fund, is a marketable security that tracks an index, a commodity, bonds, or a basket of assets like an index fund. Unlike mutual funds, an ETF trades like a common stock on a stock exchange. ETFs experience price changes throughout the day as they are bought and sold. ETFs typically have higher daily liquidity and lower fees than mutual fund shares, making them an attractive alternative for individual investors.
Because it trades like a stock, an ETF does not have its net asset value (NAV) calculated once at the end of every day like a mutual fund does.

Theo Đề án tổ chức và quản lý giao dịch chứng chỉ quỹ ETF tại Sở GDCK Hà Nội và gần đây nhất là Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục (ETF) của UBCKNN, ETF đầu tiên của Việt Nam sẽ sử dụng kỹ thuật spot-market replication để mô phỏng chỉ số chứng khoán và sẽ chính thức ra đời vào năm 2013.
Để giúp NĐT hiểu rõ hơn về sản phẩm này, chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc chi tiết về ETF, phân tích lợi ích và rủi ro khi đầu tư vào ETF. Đồng thời cũng đưa ra bức tranh thực tế về việc triển khai ETF tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
1. Quỹ ETFs là gì?
Exchange Traded Fund hay ETF là một hình thức quỹ đầu tư thụ động mô phỏng theo một chỉ số cụ thể. Danh mục của ETF gồm một rổ chứng khoán có cơ cấu như cơ cấu của chỉ số mà nó mô phỏng.
Theo đó, nhà quản lý quỹ không cần tích cực tái cơ cấu danh mục của quỹ mà chỉ cần bám sát theo rổ chứng khoán của chỉ số mục tiêu.
Có hai kỹ thuật mô phỏng chỉ số cơ sở của một ETF: mô phỏng dựa vào thị trường giao ngay (spot-market based replication) và mô phỏng dựa vào giao dịch hoán đổi (swap-based replication).
Nếu theo thị trường giao ngay, việc mô phỏng được thực hiện chủ yếu bằng cách mua toàn bộ chứng khoán theo cơ cấu của chỉ số cơ sở (gọi là mô phỏng hoàn toàn – full relpication). Trong trường hợp không thể mua toàn bộ chứng khoán cơ sở (có thể do chi phí quá cao hay do một số chứng khoán cơ sở không có tính thanh khoản), việc mô phỏng có thể được thực hiện bằng cách lấy mẫu (sampling replication) hoặc tối ưu hóa (optimization replication) để nắm giữ một phần danh mục chứng khoán cơ sở sao cho vẫn đạt được mục tiêu tối thiểu hóa sai số mô phỏng của ETF.
Việc mô phỏng chỉ số cơ sở còn có thể được thực hiện dựa vào giao dịch hoán đổi. Bằng cách này, một hợp đồng hoán đổi sẽ được thực hiện giữa quỹ ETF và một đối tác (thường là một ngân hàng đầu tư), theo đó, quỹ chấp nhận trả cho đối tác mức sinh lợi của rổ chứng khoán mà quỹ đang nắm giữ và nhận lại từ phía đối tác mức sinh lợi của chỉ số cơ sở.
Trong trường hợp này, rổ chứng khoán mà quỹ nắm giữ sẽ không bao gồm tất cả các chứng khoán của chỉ số cơ sở mà danh mục của rổ sẽ được mô tả trong hợp đồng hoán đổi. Kỹ thuật mô phỏng dựa vào giao dịch hoán đổi này có thể xem như là quỹ ETF thực hiện thuê ngoài (outsourcing) bằng cách nhờ đối tác của mình mô phỏng thay. Ví dụ sau sẽ minh họa một cách đơn giản nhất kỹ thuật này.

Các loại hình ETF rất đa dạng và phong phú. Do mục tiêu chính của ETF là theo sát biểu hiện của một chỉ số nào đó, nên bất kỳ chỉ số nào được tạo ra thì sẽ có từng ấy loại ETF có thể được hình thành. Ban đầu, thị trường chứng khoán chỉ biết tới ETF mô phỏng chỉ số cổ phiếu (gọi là ETF Equity, mô phỏng chỉ số cổ phiếu theo mức vốn hóa, theo ngành hay theo khu vực địa lý).
Sau này, đã có thêm nhiều loại ETF mới ra đời mô phỏng chỉ số các công cụ nợ (gọi là ETF Fixed Income, mô phỏng chỉ số trái phiếu chính phủ), chỉ số hàng hóa (gọi là ETF Commodity, mô phỏng chỉ số vàng, nông sản), chỉ số tiền tệ (gọi là ETF Currency, mô phỏng chỉ số đồng tiền của các nước đã phát triển) và rất nhiều loại chỉ số khác.
‘ETF cũng giống như bất cứ loại hình đầu tư nào: lợi ích luôn đi kèm với rủi ro. Vấn đề quan trọng là nhà đầu tư cần phải hiểu rõ về đặc điểm của sản phẩm mà mình đầu tư để có thể có được kết quả như kỳ vọng.
ETF không hoàn toàn là một công cụ đầu tư an toàn với lợi nhuận thấp và chắc chắn, nhưng cũng không phải là một sản phẩm rủi ro hứa hẹn lợi nhuận cao. Đây là một dạng đầu tư tương tự như đầu tư danh mục nhưng có chi phí thấp và suất sinh lời ngang với mức sinh lời của thị trường. Nhà đầu tư cần cân nhắc về mục tiêu đầu tư để lựa chọn sản phẩm phù hợp.’
2. Có Những Loại ETF nào?
1. Quỹ Chỉ Số Chứng Khoán (Index Funds)
Hầu hết các quỹ ETFs là những Quỹ Đầu Tư Chỉ Số mô phỏng theo một chỉ số chứng khoán nhất định như Dow Jone, S&P 500, FTSE 100.
Ví dụ: trên sàn Y có 4 cổ phiếu A,B,C, D với số lượng cổ phiếu phát hành lần lượt là 5 triệu, 10 triệu, 5 triệu, 15 triệu. Quĩ Z, đầu tư theo “Y index” tức là họ có thể xây dựng danh mục đầu tư của mình theo tỉ lệ 1:2:1:3, tương đương với việc có thể họ sẽ mua 400.000 cổ phiếu A, 800.000 cổ phiếu B và 400.000 cổ phiếu C và 12.000 cổ phiếu D.
Nguyên nhân của việc các quỹ phải xây dựng danh mục đầu tư của mình theo tỉ lệ trên đây là do tầm ảnh hưởng theo tỉ lệ của từng loại cổ phiếu với chỉ số chung. Như trong trường hợp trên, tầm ảnh hưởng của từng cổ phiếu lên chỉ số chung có thể theo đúng tỉ lệ 1:2:1:3 nên các quỹ đầu tư chỉ số chọn tỉ lệ này để sự tăng hay giảm của một loại cổ phiếu cũng không gây ảnh hưởng đến chỉ số của toàn sàn giao dịch Y và giá trị quỹ của họ cũng không bị ảnh hưởng.
Tính đến tháng 2/2008, nước Mỹ có tới 415 quỹ chứng khoán tổng hợp ETFs trong nước với tổng tài sản lên đến 350 tỉ USD; 160 quỹ ETFs quốc tế với tài sản lên đến 169 tỉ USD, và 35 quỹ ETF trái phiếu với tổng tài sản lên tới 40 tỉ USD.
Một số quỹ đầu tư chỉ số ETF đầu tư 100% tài sản của họ theo tỉ lệ đã nêu trên vào tất cả các cổ phiếu thuộc một chỉ số nhất định. Ví dụ như nếu một quỹ đầu tư chọn đầu tư hoàn toàn vào một chỉ số là S&P 500 thì có nghĩa là ETF đó sẽ đầu tư vào cổ phiếu của 500 công ty lớn nhất của thị trường chúng khoán Hoa Kỳ do đó theo sát sự biến chuyển của chỉ số S&P 500.
Một số quỹ đầu tư khác thì lại dùng phương pháp “mẫu đại diện”, có nghĩa là họ sẽ đầu tư từ 80% đến 95% tài sản của họ vào những cổ phiếu thuộc một chỉ số họ đã chọn. Còn từ 5%-20% còn lại sẽ được đầu tư vào những tài sản khác như các hợp đồng tương lai, quyền chọn, các hợp đồng hoán đổi hoặc các cổ phiếu không thuộc chỉ số họ đã chọn. Tất cả đều tùy thuộc vào mục tiêu của những người quản lý quỹ.

2. Quỹ Đầu Tư Hàng Hóa (Commodity ETFs)
Quỹ Đầu Tư Chỉ Số Hàng Hóa đầu tư vào một số hàng hóa nhất định như các kim loại quý, ví dụ như vàng và dầu hoặc một rổ các hàng hóa bằng cách nắm giữ thực sự loại hàng hóa đó hoặc dùng các hợp đồng tương lai. Các Quỹ Đầu Tư Hàng Hóa thường theo dõi giá của các loại hàng hóa này và kiếm lời từ những biến đổi này.
3. Các Quỹ ETFs Quản Lý Chủ Động (Actively managed ETFs)
Các Quỹ ETFs tích cực thực ra vừa mới ra đời kể từ 25/03/2008 ở Mỹ. Cho tới nay, tất cả các quỹ đã được cấp phép đều có các thông tin về quỹ của mình một cách hoàn toàn minh bạch. Điều này có nghĩa là các quỹ này phải công bố những thông tin về những loại cổ phiếu họ đầu tư trên website của họ hàng ngày.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng đã cho rằng có thể họ sẽ cho phép những quỹ này không cần phải cung cấp hoàn toàn những thông tin lên website nữa. Nguyên nhân là do việc minh bạch hóa toàn bộ thông tin của các quỹ này sẽ khiến những quỹ này phải đối mặt với những rủi ro trước những đối thủ cạnh tranh trong việc đi trước đón đầu.
3. SPDR là gì?
Từ năm 2003 đã có khoảng 8 loại ETF dùng vàng, được ghi tên trên các thị trường chứng khoán thế giới. Trong những loại ETF đó, StreetTrack Gold Trust là quỹ ETF đầu tư vàng lớn nhất thế giới. Hiện nay, quỹ này nắm giữ tới 597, 73 tấn vàng, tương đương với 19,217,748 ounces vàng, đạt giá trị 17,062,471,801.62 USD.
Ngày 25/4/2008, khi quỹ đầu tư StreetTrack Gold Trust bán ra 20,5 tấn vàng, giá vàng trên thế giới đã bị đẩy xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng trước đó khi dao động trên thị trường quốc tế ở mức 884 – 890 USD/ounce. Giá vàng SJC tại Việt Nam tụt tới 200.00 một lượng so với ngày trước đó, đứng ở mức 17,75 triệu đồng/lượng, tụt gần 2 triệu đồng một lượng so với đỉnh cao của SJC hơn một tháng trước.

Nhìn vào thực tế trên đây, chúng ta có thể thấy rõ sức mạnh của StreetTrack Gold Trust như thế nào!
StreetTracks Gold Share là chứng chỉ của Quỹ StreetTrack Gold Trust, do Hội Đồng Vàng Thế Giới Bảo Trợ. Chứng chỉ này đã được niêm yết trên Sàn Chứng Khoán Newyork vào ngày 18/11/2004 với mã là GLD. Mỗi chứng chỉ có giá trị tương đương với 1/10 ounce vàng đảm bảo nằm dưới hầm chứa vàng tại Luân Đôn của HSBC Bank USA hoặc dưới hầm của những ngân hàng bảo trợ chi nhánh của HSBC khác dưới dạng các thỏi vàng 400 oz.
Ngày 20/5/2009, quỹ StreetTRACKS® Gold Trust đã được đổi tên thành SPDR® Gold Trust Mỗi ngày, trung bình có khoảng 8 triệu chứng chỉ GLD được giao dịch, cao hơn cả số lượng 7 triệu cổ phiếu của Google. Tổng giá trị các cổ phiếu ETF do Hội Đồng Vàng Thế Giới sở hữu lên tới 16.8 tỉ USD.
Hiện nay, 8 quỹ ETF đang làm chủ > 128 tấn vàng(tính tới ngày 24-4-2012), là kho vàng lớn thứ bảy thế giới. Với vị trí như vậy, có thể nói rằng các quỹ ETF nói chung và SPDR® Gold Trust có tầm ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung vàng của thị trường. Trong những trường hợp nhạy cảm, khi những biến đổi của USD khá nhạy cảm, cộng với những biến động khó lường của dầu thì những động thái từ các quỹ ETF sẽ rất được chú ý.
4. Vì sao nhà đầu tư nên chọn ETF?
Giữa các loại quỹ như quỹ tương hỗ, quỹ đóng hay quỹ mở, đâu là những ưu điểm nổi trội mà ETF sẽ thu hút nhà đầu tư?
Khi đầu tư vào cổ phiếu, nhà đầu tư (NĐT) thường đối mặt với hai vấn đề lớn: (i) chọn đúng cổ phiếu và đúng thời điểm, và (ii) phân tán rủi ro.
Việc chọn đúng cổ phiếu để đầu tư đòi hỏi NĐT khá nhiều kiến thức và kỹ năng phân tích, đồng thời cũng là công việc tốn kém thời gian. Hơn nữa, không phải NĐT nào cũng có thể tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp.
Ngay cả khi đã chọn được cổ phiếu có cơ bản tốt, nhưng nếu mua vào lúc giá quá cao thì vẫn có thể bị lỗ. Ngược lại, có những cổ phiếu có cơ bản không tốt nhưng lại được bán ra lúc thị trường định giá cao thì NĐT vẫn có lời.
Như vậy, vấn đề thời điểm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đầu tư, nhưng nó lại tùy thuộc nhiều vào tình hình thị trường, cái mà NĐT không thể kiểm soát được. Tương tự, việc đa dạng hóa danh mục để hạn chế rủi ro phi hệ thống cũng khá phức tạp và tốn kém, đặc biệt là đối với các NĐT cá nhân. Nó đòi hỏi phải có một hệ thống hỗ trợ phân tích thật hiệu quả cùng với một nguồn lực tài chính lớn vì phải phân tán rủi ro bằng cách đầu tư vào nhiều loại cổ phiếu khác nhau hoặc vào các loại tài sản khác nhau.
Chính vì các hạn chế đó, NĐT thường giải quyết bài toán bằng cách mua các chứng chỉ quỹ tương hỗ.
Quỹ tương hỗ vốn được xem là một hình thức đầu tư phù hợp với nhà đầu tư cá nhân. Thông thường, các quỹ này được điều hành bởi những chuyên gia giàu kinh nghiệm. Do đó, họ được kỳ vọng là sẽ sử dụng vốn hiệu quả, thường xuyên tái cơ cấu danh mục (quản lý chủ động) và đầu tư vào các tài sản, lĩnh vực có tỷ suất sinh lợi cao.
Ngoài ra, các quỹ tương hỗ cũng có thêm lợi thế nhờ quy mô do tập hợp một lượng lớn vốn từ nhiều NĐT nhỏ. Về mặt lý thuyết, mua các chứng chỉ quỹ (CCQ) là một hình thức đầu tư phù hợp cho các NĐT không chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, không phải quỹ tương hỗ nào cũng có kết quả như mong đợi. Theo CMoney và Fubon Securities Trust (Taiwan Stock Exchange, 2010), theo dõi kết quả hoạt động của 154 quỹ tương hỗ suốt từ giai đoạn 2003 – 2007, trong suốt 5 năm liên tục, không có quỹ tương hỗ nào thắng được thị trường. Điều này cho thấy, mô hình quản lý quỹ theo kiểu chủ động chưa hẳn đã đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư.
Đó là chưa tính đến việc do quản lý theo kiểu chủ động, nên chi phí quản lý mà các nhà đầu tư phải trả cho Công ty Quản lý quỹ (CTQLQ) thường khá cao.

Đối với loại hình quỹ mở, NĐT lại gặp phải vấn đề thông tin bất cân xứng. Do có cơ chế tạo và mua lại, quy mô của quỹ mở thường xuyên thay đổi. Bất cứ lúc nào NĐT đều có quyền yêu cầu CTQLQ mua lại CCQ mà họ đang nắm giữ, do vậy, CTQLQ vừa phải duy trì một lượng tiền mặt nhất định trong cơ cấu tài sản của quỹ, vừa thường xuyên chủ động tái cơ cấu danh mục để có được lợi suất đầu tư cao nhất có thể.
Chính vì vậy, NĐT không dễ gì biết được danh mục tài sản của quỹ tại mọi thời điểm mà chỉ biết được NAV do CTQLQ công bố vào lúc tạo ra hay mua lại CCQ của NĐT.
Một vấn đề khác mà NĐT vào các CCQ thường gặp là “giá hợp lý” (fair price). Đối với loại hình quỹ đóng, với quy mô cố định, được niêm yết và giao dịch trên thị trường giao dịch tập trung, giá cả của CCQ do cung cầu trên thị trường quyết định. Trong nhiều thời điểm, do những khiếm khuyết của thị trường, thị giá của CCQ lại khác biệt xa so với NAV của quỹ. Điều này rất bất lợi cho NĐT vì giá của tài sản mà họ mua, bán hoặc nắm giữ không phản ánh đúng giá trị thực sự của nó.
Với những bất cập trong việc đầu tư vào cổ phiếu và quỹ tương hỗ như đã phân tích, ETF được xem là một sản phẩm tài chính có thể giải quyết được những vấn đề đó với nhiều lợi ích:
- Đa dạng hóa danh mục (với chi phí thấp): do ETF được cơ cấu bởi một rổ cổ phiếu, khi NĐT nắm giữ chứng chỉ ETF, cũng có nghĩa là họ nắm một rổ cổ phiếu có tỷ trọng giống như chỉ số mà ETF mô phỏng;
- Đạt được lợi suất bình quân của thị trường: với đặc điểm quan trọng của ETF là bám sát biểu hiện của chỉ số mà nó mô phỏng, NĐT yên tâm là tỷ suất sinh lợi mà họ có được khi đầu tư vào ETF sẽ không sai biệt nhiều so với tỷ suất lợi nhuận bình quân của thị trường;
- Thông tin minh bạch: như cổ phiếu được niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch tập trung, mọi thông tin liên quan đến ETF (khối lượng giao dịch, giá thị trường, NAV, cơ cấu tài sản của quỹ…) đều được công khai minh bạch và bất cứ ai cũng đều dễ dàng có được thông tin. NĐT có thể dễ dàng tham gia và rút lui ra khỏi thị trường do ETF được áp dụng cùng một nguyên tắc giao dịch như các cổ phiếu niêm yết;
- Chi phí thấp: do quản lý bị động, chi phí quản lý của ETF thấp hơn nhiều so với các quỹ đầu tư khác. Đặc biệt, trong cơ chế tạo và hoàn trả của ETF, chỉ có NĐT là các tổ chức được cấp phép (thường là các công ty chứng khoán) mới được thực hiện việc tạo và hoàn trả ETF với CTQLQ.
Ngoài ra, khối lượng CCQ tính theo lô dùng để tạo và mua lại trên thị trường sơ cấp cũng tương đối lớn (trung bình 1 lô gồm 50,000 CCQ hoặc thậm chí 500,000 CCQ) nên đối tượng tham gia vào việc tạo và mua lại CCQ bị hạn chế. Do đó, quỹ ETF không phải duy trì một lượng tiền mặt lớn và cũng không gặp áp lực mua lại CCQ như các quỹ mở thông thường;
Chênh lệch NAV và giá thị trường thấp: điều này có được nhờ vào cơ chế kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) rất riêng của ETF. ETF có hai loại giá đặc trưng là giá
ETF do cung cầu trên thị trường quyết định và giá của rổ chứng khoán mà quỹ ETF nắm giữ. Bất cứ lúc nào có sự khác biệt giữa hai loại giá này, NĐT sẽ kinh doanh chênh lệch giá, từ đó làm cho giá của ETF không khác biệt nhiều so với giá trị tài sản mà nó nắm giữ.
5. Những rủi ro cần cân nhắc khi đầu tư vào ETF
Bên cạnh các lợi ích mà ETF mang lại như đã đề cập trong bài trước, giao dịch ETF cũng chứa đựng nhiều rủi ro mà NĐT cần cân nhắc kỹ.
1. Rủi ro khác biệt giá trước khi niêm yết
Trước khi được phát hành, quỹ ETF huy động vốn từ các NĐT tổ chức để hình thành nên vốn mồi (seed fund). Vốn mồi được sử dụng để tập hợp các chứng khoán cơ cấu và sau đó sẽ đổi thành CCQ để bán ra công chúng.
Như vậy, từ lúc góp vốn cho đến lúc quỹ được phát hành và niêm yết thì cần một khoảng thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian đó, NĐT phải đối mặt với rủi ro biến động giá của tài sản cơ cấu và của ETF.
2. Biểu hiện không vượt trội chỉ số
Do ETF mô phỏng chỉ số nên ngay cả khi thị trường trong giai đoạn tăng trưởng mạnh thì ETF cũng không thể thu được mức lợi nhuận vượt trội chỉ số mà nó mô phỏng.
Đây có lẽ cũng là yếu điểm lớn nhất của quỹ ETF.

3. Rủi ro hệ thống đối với chỉ số mục tiêu
Về mặt lý thuyết, đầu tư vào một danh mục sẽ giảm được mức biến động giá và tác động của từng chứng khoán riêng lẻ lên toàn bộ danh mục. Tuy nhiên, bản thân của chính danh mục đầu tư cũng không thể tránh khỏi rủi ro hệ thống.
Do ETF là một dạng đầu tư chỉ số, rủi ro hệ thống của ETF cũng tương đương với rủi ro biến động của thị trường.
Khi thị trường giảm, chỉ số giảm và NĐT phải gánh chịu thua lỗ.
4. Các quyền khác với cổ phiếu thường
Đối với ETF, NĐT phải thông qua CTQLQ để mua CCQ.
Nắm giữ CCQ ETF cũng giống như nắm một rổ chứng khoán cơ cấu. Tuy nhiên, do các chứng khoán thành phần vẫn thuộc về CTQLQ, các NĐT nắm giữ ETF không có các quyền đối với chứng khoán thành phần mà chính CTQLQ mới đóng vai trò là cổ đông của các cổ phiếu cơ cấu và có được các quyền liên quan (như tham dự đại hội cổ đông, nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng…).
5. Sai số trong mô phỏng
Sai số mô phỏng là độ lệch chuẩn giữa tỷ suất sinh lợi của ETF và tỷ suất sinh lợi của chỉ số cơ sở. ETF có sai số mô phỏng càng nhỏ thì càng thu hút được NĐT.
Đối với nhà quản lý quỹ ETF, chức năng chính và quan trọng nhất là duy trì sai số mô phỏng càng nhỏ càng tốt bằng cách cơ cấu lại danh mục của quỹ.
Trong thực tế, do sự biến động của thị trường và nhiều yếu tố khác như các hoạt động chia, tách, sáp nhập doanh nghiệp hay phát hành cổ phiếu thưởng… làm cho nhiệm vụ giảm thiểu sai số mô phỏng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt trong trường hợp thị trường thiếu thanh khoản.
6. Tình trạng chênh lệch giá
Giống như cổ phiếu, ETF chịu ảnh hưởng bởi khối lượng giao dịch. Khi khối lượng giao dịch tăng lên nhanh chóng trong thời gian ngắn, hoặc giảm xuống một cách đáng kể sẽ tạo ra chênh lệch giữa giá giao dịch và NAV.
Mặc dù ETF có cơ chế giao dịch đặc biệt từ thị trường sơ cấp và thứ cấp, tình trạng Gia tăng (premium) hoặc Khấu trừ (discount) vẫn có thể diễn ra và sẽ gây bất lợi cho NĐT.
7. Rủi ro tỷ giá đối với các ETF nước ngoài
Biểu hiện dễ thấy nhất của rủi ro này là trong trường hợp ETF được niêm yết ở thị trường nước ngoài còn rổ chứng khoán cơ cấu được niêm yết ở thị trường trong nước, nếu nội tệ bị mất giá so với ngoại tệ, NAV của ETF cũng giảm theo và NĐT phải gánh chịu mức lỗ này.
‘ ETF cũng giống như bất cứ loại hình đầu tư nào: lợi ích luôn đi kèm với rủi ro. Vấn đề quan trọng là nhà đầu tư cần phải hiểu rõ về đặc điểm của sản phẩm mà mình đầu tư để có thể có được kết quả như kỳ vọng.
ETF không hoàn toàn là một công cụ đầu tư an toàn với lợi nhuận thấp và chắc chắn, nhưng cũng không phải là một sản phẩm rủi ro hứa hẹn lợi nhuận cao. Đây là một dạng đầu tư tương tự như đầu tư danh mục nhưng có chi phí thấp và suất sinh lời ngang với mức sinh lời của thị trường. Nhà đầu tư cần cân nhắc về mục tiêu đầu tư để lựa chọn sản phẩm phù hợp.’
Về chuyên sâu hơn nữa về quỹ ETFs này Tôi sẽ dành cho cuốn sách sau, các bạn nào muốn tìm hiểu kỹ hơn thì có thể tìm đọc ở các nguồn trên Internet.
Bắt đầu từ các bài viết sau chúng ta sẽ đi sâu vào các quy tắc liên thị trường, các mối tương quan khác nữa mà những gì ở các phần trước Tôi chia sẻ chỉ là phần rất nhỏ. Trong các bài viết sau sẽ là các phương pháp phân tích kỹ thuật thường được Trader áp dụng và Tôi sẽ cố gắng dành loạt nói về sự kết hợp các yếu tố phân tích cơ bản và kỹ thuật để từ đó các bạn có được cái nhìn tốt nhất về thị trường và sẽ có những quyết định hợp lý nhất trong từng giao dịch.