Các bộ phận cấu thành của thị trường tài chính: Thị trường Trái Phiếu (Bond Market) phần 2.

Bonds Market
Bonds Market

Ở phần 1 chúng ta đã tìm hiểu Thị trường trái phiếu là gì? Lợi tức trái phiếu (YIELDS) là gì? Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách phân loại trái phiếu và các loại YIELDS CURVE.

Xem thêm:

Các bộ phận cấu thành của thị trường tài chính: Thị trường Trái Phiếu (Bond Market) phần 1

3. Phân loại trái phiếu:

Trái phiếu dài hạn và trái phiếu ngắn hạn.

Trong thực tế có khá nhiều cách để phân loại trái phiếu. Nhưng với một Trader thì Trái phiếu được phân loại thành các kỳ hạn. Trong đó Trái phiếu có kỳ hạn dưới 2 năm gọi là Ngắn hạn, Trái phiếu có kỳ hạn từ 3-7 năm là trung hạn và Trái phiếu có kỳ hạn trên 7 năm được gọi là dài hạn.

Vì bản chất của trái phiếu là Nợ, do vậy nên khi kỳ hạn càng dài thì rủi ro sẽ càng lớn, rủi ro có thể nhiều hình thức, giả sử như lạm phát trong nền kinh tế quá cao, đồng tiền mất giá hoặc rủi ro vỡ nợ Chính phủ/Doanh nghiệp…

Phân loại trái phiếu
Phân loại trái phiếu

Cũng chính vì là rủi ro cao nên lợi tức cũng phải cao hơn, như vậy trong một nền kinh tế ổn định và không có suy thoái thì trái phiếu có kỳ hạn càng lâu thì lợi tức sẽ càng tăng cao. Tôi nhắc đến trong một nền kinh tế ổn định, và nếu như có suy thoái, kinh tế đi xuống thì lúc này lợi tức có còn tuân thủ theo quy luật đó nữa hay không?

Để giải thích rõ hơn chúng ta sẽ chuyển sang một khái niệm mới về Đường Cong Lợi Tức (Yield Curve). Thông thường trong phân tích thị trường currency, một vài hàng hóa kim khoáng quặng chính và những chỉ số Indices thì chúng ta sử dụng hình thức phân loại theo kỳ hạn sẽ phản ảnh được một cách nhanh chóng nhất. Ngoài ra thì cũng có những hình thức phân loại khác, nhưng ít được quan tâm hơn:

Phân loại theo người phát hành

Trái phiếu của Chính phủ: Đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Chính phủ, chính phủ phát hành trái phiếu để huy động tiền nhàn rỗi trong dân và các tổ chức kinh tế, xã hội.

Chính phủ luôn được coi là Nhà phát hành có uy tín nhất trên thị trường; Vì vậy, Trái phiếu Chính phủ được coi là loại chứng khoán có ít rủi ro nhất.

Trái phiếu của doanh nghiệp là những trái phiếu do doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn phát hành để tăng vốn hoạt động. Trái phiếu doanh nghiệp có nhiều loại và rất đa dạng.

Trái phiếu của ngân hàng và các tổ chức tài chính: các tổ chức này có thể phát hành trái phiếu để tăng thêm vốn hoạt động.

Phân loại trái phiếu theo chủ thể phát hành
Phân loại trái phiếu theo chủ thể phát hành

Phân loại lợi tức trái phiếu

  1. Trái phiếu có lãi suất cố định là loại trái phiếu mà lợi tức được xác định theo một tỷ lệ phần trăm (%) cố định tính theo mệnh giá.
  2. Trái phiếu có lãi suất biến đổi (lãi suất thả nổi) là loại trái phiếu mà lợi tức được trả trong các kỳ có sự khác nhau và được tính theo một lãi suất có sự biến đổi theo một lãi suất tham chiếu.
  3. Trái phiếu có lãi suất bằng không là loại trái phiếu mà người mua không nhận được lãi, nhưng được mua với giá thấp hơn mệnh giá (mua chiết khấu) và được hoàn trả bằng mệnh giá khi trái phiếu đó đáo hạn.

Phân loại theo mức độ đảm bảo thanh toán của người phát hành

  • Trái phiếu bảo đảm là loại trái phiếu mà người phát hành dùng một tài sản có giá trị làm vật đảm bảo cho việc phát hành. Khi nhà phát hành mất khả năng thanh toán, thì trái chủ có quyền thu và bán tài sản đó để thu hồi lại số tiền người phát hành còn nợ.
  • Trái phiếu bảo đảm thường bao gồm một số loại chủ yếu sau: Trái phiếu có tài sản cầm cố là loại trái phiếu bảo đảm bằng việc người phát hành cầm cố một bất động sản để bảo đảm thanh toán cho trái chủ. Thường giá trị tài sản cầm cố lớn hơn tổng mệnh giá của các trái phiếu phát hành để đảm bảo quyền lợi cho trái chủ.
  • Trái phiếu bảo đảm bằng chứng khoán ký quỹ là loại trái phiếu được bảo đảm bằng việc người phát hành thường là đem ký quỹ số chứng khoán dễ chuyển nhượng mà mình sở hữu để làm tài sản bảo đảm.
  • Trái phiếu không bảo đảm là loại trái phiếu phát hành không có tài sản làm vật bảo đảm mà chỉ bảo đảm bằng uy tín của người phát hành.
Phân loại trái phiếu theo mức độ đảm bảo thanh toán của người phát hành
Phân loại trái phiếu theo mức độ đảm bảo thanh toán của người phát hành

Phân loại dựa vào hình thức trái phiếu

  1. Trái phiếu vô danh là loại trái phiếu không ghi tên của người mua và trong sổ sách của người phát hành. Trái chủ là người được hưởng quyền lợi.
  2. Trái phiếu ghi danh là loại trái phiếu có ghi tên của người mua và trong sổ sách của người phát hành.

Phân loại dựa vào tính chất trái phiếu

  1. Trái phiếu có thể chuyển đổi là loại trái phiếu của công ty cổ phần mà trái chủ được quyền chuyển sang cổ phiếu của công ty đó. Việc này được quy định cụ thể về thời gian và tỷ lệ khi mua trái phiếu.
  2. Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu là loại trái phiếu có kèm theo phiếu cho phép trái chủ được quyền mua một số lượng nhất định cổ phiếu của công ty.
  3. Trái phiếu có thể mua lại là loại trái phiếu cho phép nhà phát hành được quyền mua lại một phần hay toàn bộ trước khi trái phiếu đến hạn thanh toán.

4. ĐƯỜNG CONG LỢI TỨC (YIELD CURVE) LÀ GÌ? TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐƯỜNG CONG LỢI TỨC

Việc mua bán trái phiếu cũng giống như vay mượn của ngân hàng vậy, và bất cứ dịch vụ gì cũng đều phải trả một khoản tiền lãi suất, thì trong thị trường trái phiếu cũng vậy, khi Chính Phủ/Doanh Nghiệp muốn huy động vốn thì sẽ phát hành trái phiếu và đương nhiên là họ mang tiền đến cho những vị đó thì tất nhiên các vị ấy phải trả lãi cho họ rồi, đó chính là lợi tức của trái phiếu.

Tuy nhiên lợi tức cũng như kỳ hạn vay vốn hay gửi tiết kiệm với ngân hàng vậy, không phải kỳ hạn nào cũng giống kỳ hạn nào, và nếu như chúng ta nối những hạn mức lợi tức trái phiếu đó lại thì sẽ được một đường cong gọi là đường cong lợi tức.

Theo Investopedia định nghĩa: “Đường Cong Lợi Tức”

Một đường cong thể hiện mức lãi suất, tại cùng một thời điểm nhất định. Trái phiếu có chất lượng tín nhiệm ngang nhau (thường thì cùng một quốc gia/doanh nghiệp phát hành), nhưng khác nhau ngày đáo hạn. Các đường cong lãi suất kỳ hạn khác nhau như là: 3 tháng, 1 năm, 2 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm… lấy ví dụ từ trái phiếu kho bạc Mỹ.

Đường cong lãi suất này được sử dụng như một mức chuẩn cho các khoản nợ khác trên thị trường, chẳng hạn như lãi suất thế chấp hoặc lãi suất cho vay của ngân hàng. Đường cong cũng được sử dụng để dự đoán những thay đổi trong sản lượng kinh tế và tăng trưởng trong nền kinh tế.

DEFINITION of ‘Yield Curve’A line that plots the interest rates, at a set point in time, of bonds having equal credit quality, but differing maturity dates. The most frequently reported yield curve compares the three-month, two-year, five-year and 30-year U.S. Treasury debt.

This yield curve is used as a benchmark for other debt in the market, such as mortgage rates or bank lending rates. The curve is also used to predict changes in economic output and growth.

Hình 2.6: Đường cong lợi tức Trái Phiếu Chính Phủ Mỹ tại thời điểm ngày 16/11/2015 (nguồn: http://www.treasury.gov/)
Hình 2.6: Đường cong lợi tức Trái Phiếu Chính Phủ Mỹ tại thời điểm ngày 16/11/2015 (nguồn: http://www.treasury.gov/)

CÁC DẠNG HÌNH THÁI ĐẶC TRƯNG CỦA ĐƯỜNG CONG LỢI TỨC

Cũng tương tự như các hàng hóa, thị trường khác thì Trái Phiếu cũng có rất nhiều hình thái khác nhau, rất nhiều trường hợp khác nhau để phản ảnh thị trường hiện tại và tương lai. Để có thể hiểu sâu hơn về các dạng hình thái này và tại sao đường cong lợi tức lại là kim chỉ nam để tiên đoán tương lai của nền kinh tế thì chúng ta phải hiểu rõ bản chất của từng dạng đường cong lợi tức đã.

Đường cong lợi tức bình thường (dạng chuẩn): Từ sau giai đoạn đại suy thoái thì đường cong lợi tức đã trở lại dạng bình thường, có nghĩa là lợi tức tăng khi kỳ hạn đáo hạn càng dài (tức là độ dốc đường con lợi tức là dương tính).

Độ dốc dương phản ánh kỳ vọng nền kinh tế được đầu tư để phát triển trong tương lai, và quan trọng cho sự tăng trưởng này là liên kết với một kỳ vọng lớn hơn là lạm phát trong tương lai vì thế cũng sẽ tăng.

Kỳ vọng lạm phát tăng dẫn đến kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách nâng lãi suất ngắn hạn trong tương lai để làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiềm chế áp lực lạm phát. Nó cũng tạo ra một nhu cầu cho một chi phí bảo hiểm rủi ro liên quan với sự không chắc chắn về tương lai tỉ lệ lạm phát và nguy cơ này đặt ra cho các giá trị tương lai của dòng tiền.

Các nhà đầu tư giá trị nhận thấy rủi ro này bằng cách nhìn đòi hỏi mức lợi tức cao hơn cho các trái phiếu ngắn hạn và trung hạn trong tương lai. Tuy nhiên một đường cong lợi tức dốc tích cực không phải luôn luôn là tiêu chuẩn.

Qua giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu 20 nền kinh tế Mỹ có xu hướng tăng trưởng nhưng lại phải đối mặt giảm phát. Trong thời gian này các đường cong lợi tức thường đảo ngược, tức là lợi tức trái phiếu kỳ hạn càng ngắn thì lợi tức càng cao, phản ảnh thực tế là giảm phát khiến dòng tiền hiện tại ít có giá trị hơn so với các dòng tiền trong tương lai. Như vậy rút ra được rằng trong một giai đoạn giảm phát thì đường cong lợi tức có xu hướng đảo ngược.

Các loại đường cong lợi tức (Yield curve)
Các loại đường cong lợi tức (Yield curve)

Đường cong lợi tức dốc: Trong lịch sử, trái phiếu kho bạc kỳ hạn 20 năm đạt mức trung bình khoảng 2% chênh lệch so với kỳ hạn 3 tháng. Trong các tình huống khi khoảng cách này tăng lên (ví dụ như lợi tức trái phiếu 20 năm tăng cao hơn so với lợi tức kỳ hạn 3 tháng), điều này có nghĩa là nền kinh tế trong tương lai sẽ được cải thiện nhanh chóng.

Đây là loại đường cong có thể được nhìn thấy ở giai đoạn đầu của chu kỳ tăng trưởng nền kinh tế (hoặc sau khi kết thúc một cuộc suy thoái). Ở đây, kinh tế trì trệ sẽ có lãi suất ngắn hạn thấp, tuy nhiên giá bắt đầu tăng lên khi nhu cầu huy động vốn được tái thiết lập bởi các hoạt động phát triển kinh tế. Vào tháng 1 năm 2010, khoảng cách giữa lợi tức trái phiếu 2 năm và 10 năm mở rộng đến 2,92%, cao nhất từ trước đến nay. Trong trường hợp này đường cong lợi tức quá dốc.

Đường cong lợi tức dạng phẳng hoặc hơi dốc: Một đường cong lợi tức phẳng được quan sát thấy khi tất cả các kỳ hạn đều gần như có mức lợi tức tương tự nhau, trong trường hợp này thì đường cong lợi tức đang gửi một tín hiệu bất ổn trong nền kinh tế. Tín hiệu hỗn hợp này có thể trở lại dạng đường cong lợi tức bình thường hoặc sau này có thể cho kết quả thành một đường cong ngược.

Để hiểu thêm về tín hiệu báo trước sự sụp đổ của nền kinh tế dựa vào đường cong lợi tức dạng phẳng chúng ta có thể quan sát thời điểm cuộc khủng hoảng năm 2008 diễn ra, trước khi cuộc khủng hoảng chính thức bắt đầu thì đường cong lợi tức đã có những thay đổi lớn và dạng phẳng xuất hiện như là một dự báo trước vậy.

Hình 2.7: Đường cong lợi tức chuyển sang dạng phẳng là dấu hiệu báo trước cho sự sụp đổ trên thị trường vào giai đoạn cuối năm 2007 đầu năm 2008. (nguồn: http://www.treasury.gov/)
Hình 2.7: Đường cong lợi tức chuyển sang dạng phẳng là dấu hiệu báo trước cho sự sụp đổ trên thị trường vào giai đoạn cuối năm 2007 đầu năm 2008. (nguồn: http://www.treasury.gov/)

Đường cong lợi tức đảo ngược: Một đường cong lợi tức ngược xảy ra khi lợi tức trái phiếu dài hạn thấp hơn lợi tức trái phiếu ngắn hạn. Trong những trường hợp bất thường, các nhà đầu tư dài hạn sẽ bắt đầu có những lo ngại rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí là suy thoái trong tương lai.

Quả thực là trong suốt quãng thời gian từ 1970 đến nay đã 7 lần đường cong lợi tức đảo ngược và cả 7 lần đó nền kinh tế đến đi xuống sau đó và rơi vào suy thoái. Do vậy các ngân hàng trung ương sẽ quan sát đường cong lợi tức rất kỹ để tiên đoán những giai đoạn trong nền kinh tế, khả năng dự báo trước nền kinh tế khi nhìn vào một đường cong lợi tức đảo ngược là rất cao.

Ngoài khả năng dự báo sự suy giảm kinh tế, các đường cong lợi tức ngược cũng hàm ý rằng thị trường tin rằng lạm phát vẫn ở mức thấp và sẽ có thể dẫn đến giảm phát trong tương lai. Điều này là vì ngay cả khi có một cuộc suy thoái, lợi tức trái phiếu thấp vẫn sẽ được khỏa lấp bởi lạm phát thấp, tuy nhiên nếu có một thay đổi nào đó hoặc tính huống ngoài dự đoán với kinh tế toàn cầu, có thể gây ra sự gia tăng nhu cầu đối với trái phiếu dài hạn khiến lợi tức trái phiếu dài hạn giảm.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐƯỜNG CONG LỢI TỨC

Thông qua những định nghĩa và lần lượt đi qua các dạng của đường cong lợi tức phần nào cũng đã nêu lên được bức tranh toàn cảnh thị trường trái phiếu, mặc dù có nhiều hình thái trái phiếu như là trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ. Nhưng trong khuôn khổ của một currency trader thì chúng ta quan tâm nhiều hơn đến trái phiếu chính phủ, và đặc biệt hơn cả là trái phiếu của một vài nền kinh tế lớn nhất trên thế giới trong đó đặc biệt chú ý đến trái phiếu Mỹ.

YIELD CURVE
YIELD CURVE

Vì như đã giải thích trên: dù thế nào đi nữa thì trái phiếu Mỹ vẫn là bức tường thành trú ẩn an toàn nhất mỗi khi có biến động khủng hoảng, do đó chỉ một vài thay đổi trên đường cong lợi tức của Mỹ thôi cũng sẽ là những dấu hiệu dự báo trước cho nền kinh tế toàn cầu.

Trong những phân tích thực tế mà Tôi áp dụng và trong serie bài viết này Tôi thường sử dụng một vài Bond yield kỳ hạn trên 7 năm và thường thì theo dõi những biểu đồ live price đó ở trang web www.investing.com .

Thêm một lưu ý nữa là sẽ có nhiều bạn lầm tưởng rằng quan sát giá trái phiếu, lợi tức trái phiếu chỉ thích hợp với những người giao dịch dài hạn, điều này không sai và đúng là với những ai giao dịch dài hạn thì sẽ rất quan tâm đến trái phiếu nhưng điều đó không có nghĩa là những người giao dịch day trader và swing trade như Tôi chẳng hạn lại bỏ qua.

Việc quan sát thị trường trái phiếu trước khi quyết định giao dịch với hàng hóa, các cặp tiền và một vài chỉ số indices là rất quan trọng, theo dõi streaming chart lợi tức trái phiếu trên 7 năm là cực kỳ cần thiết đó.

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *