Tuần này một dữ liệu quan trọng của đồng JPY sắp được công bố: lạm phát quý 2, nếu như trong những giai đoạn khác thì tin CPI lần này sẽ cũng bình thường như những lần khác, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay của tài chính toàn cầu thì CPI tháng 7 có lẽ sẽ trở thành đòn đánh cực kỳ quan trọng tái định hình dòng tiền carry. Cùng tìm hiểu nhé!

Tam tai của BOJ
Năm ngoái, Nhật Bản đã chứng kiến một cơn địa chấn tài chính khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) bất ngờ nâng lãi suất lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ vào ngày 31/7/2024. Quyết định tưởng như mang tính kỹ thuật này đã thổi bay sự cân bằng mong manh của carry trade – chiến lược vay yen lãi suất gần 0 để đầu tư vào tài sản lãi suất cao hơn ở nước ngoài.
Xem thêm: Carry trade là gì?
📉 Chỉ trong hai tuần, USDJPY rơi từ đỉnh 155 xuống 142. Các quỹ phòng hộ toàn cầu buộc phải đóng vị thế trong hoảng loạn, kích hoạt một làn sóng unwind đẩy đồng yen mạnh lên và lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm giảm hơn 25 điểm cơ bản khi dòng vốn “quay đầu” tìm nơi trú ẩn an toàn.

USDJPY rơi từ đỉnh 155 xuống 142
⏳ Một năm trôi qua, tình hình không hề yên ả hơn.
Nếu năm ngoái là về những cú sốc tỷ giá, thì năm nay (2025) lại là những con sóng dữ dội trên thị trường trái phiếu nội địa Nhật. Khi BoJ bắt đầu giảm tốc chương trình mua trái phiếu, lợi suất JGB dài hạn bật tăng theo những nhịp dồn nén và khó đoán:
- Lợi suất JGB 30 năm nhảy vọt từ 1.9% đầu năm lên 3.2% vào tháng 5, mức cao nhất kể từ 2007.
- Lợi suất JGB 10 năm cũng leo lên 1.55%, gây áp lực tái định giá danh mục của các ngân hàng và công ty bảo hiểm Nhật – những định chế vốn nắm giữ phần lớn trái phiếu chính phủ.
- 🛑 Cuộc đấu thầu trái phiếu siêu dài hạn (40 năm) gần đây ghi nhận bid-to-cover ratio chỉ 1.87 – thấp nhất trong hơn 10 năm, báo hiệu niềm tin của nhà đầu tư nội địa đang lung lay.

Lợi suất JGB đã thổi bùng nỗi sợ hãi về “doom loop tài khóa”
🌏 Trong lúc BoJ vật lộn với nội lực thị trường, gọng kìm bên ngoài lại siết chặt hơn.
Chính quyền Mỹ đã xác nhận kế hoạch áp thuế quan bổ sung lên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nhật từ 1/8/2025. Các mặt hàng thép, xe hơi và linh kiện điện tử – vốn chiếm hơn 30% giá trị xuất khẩu Nhật – đang đối mặt với nguy cơ mất cạnh tranh trên thị trường Mỹ.
👉 Đây là một cú đòn kép:
- Đồng JPY yếu từng giúp xuất khẩu Nhật duy trì lợi thế chi phí nay bị đe dọa bởi hàng rào thuế quan.
- Nếu BoJ để đồng JPY mạnh lên để chống lạm phát nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu càng chịu thêm sức ép cạnh tranh.
📌Câu hỏi then chốt lúc này:
Liệu số liệu lạm phát tháng 7/2025 có buộc BoJ phải bước thêm một nấc thang trong quá trình bình thường hóa?
Hay ngược lại, những áp lực từ thị trường trái phiếu và rủi ro thương mại với Mỹ có đủ lớn để khiến họ dừng lại và chấp nhận đồng JPY yếu hơn? Tuy nhiên trước tiên chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chính sách xuyên suốt của Nhật Bản trong những năm qua và cái mà BOJ luôn hướng đến: Trilemma.
Trilemma tài chính: Tokyo’s Impossible Triangle
Trong thế giới tài chính toàn cầu, có những định luật ví như trọng lực trong vật lý. Nhật Bản – quốc gia nắm giữ 10,4 nghìn tỷ USD tài sản ở nước ngoài và mang trên vai món nợ công hơn 260% GDP – đang cố gắng bẻ cong định luật đó. Nhưng giống như Zoltan Pozsar từng nói, “mọi hệ thống tài chính đều có điểm gãy của nó, chỉ là bạn chưa thấy nó mà thôi.”
Tiện thể xin nhắc đến Zoltan Pozsar bác này là một cây bút kỳ cựu của phố Wall và là idol của mình.
Tokyo hiện mắc kẹt giữa ba mục tiêu không thể đạt cùng lúc:
1️⃣ Tự do tài chính (Financial Openness)
2️⃣ Tài khóa bền vững (Fiscal Sustainability)
3️⃣ Ổn định tài chính (Financial Stability)

Cái gọi là Tokyo’s Impossible Triangle không chỉ là một bài toán kỹ thuật. Nó là một vở bi kịch vĩ mô, nơi mỗi lần BoJ chuẩn bị thay đổi thì một góc của tam giác lại sụp xuống.
🗾 Tại sao Nhật Bản lại thiết kế hệ thống tài chính kiểu “ba mỏ neo”?
Khi nhìn vào cấu trúc tài chính hiện tại của Nhật Bản, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao một nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới lại chấp nhận duy trì mô hình dễ tổn thương như vậy? Để trả lời, chúng ta phải quay lại lịch sử, tìm đến những “vết sẹo” đã định hình nên cách Tokyo vận hành nền kinh tế suốt ba thập kỷ qua.
Đầu những năm 1990, bong bóng bất động sản và chứng khoán khổng lồ của Nhật Bản vỡ tung.
- Giá đất ở Tokyo giảm tới 70% trong vòng một thập kỷ.
- Nikkei 225 rơi từ đỉnh gần 39.000 điểm năm 1989 xuống chỉ còn 8.000 điểm vào đầu những năm 2000.
- Các ngân hàng chìm trong nợ xấu, không dám cho vay; doanh nghiệp ngừng đầu tư; người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng.
Hệ quả: Nhật rơi vào cái gọi là “Thập kỷ mất mát” (Lost Decade), rồi sau đó là hai thập kỷ tăng trưởng trì trệ. Trong giai đoạn này, GDP danh nghĩa của Nhật gần như đứng yên, trong khi Mỹ và Trung Quốc bứt phá.
BoJ và chính phủ Nhật nhận ra rằng:
“Một nền kinh tế già hóa không chịu được cú sốc thị trường. Phải thiết kế một hệ thống ngăn mọi biến động cực đoan.”
Đây là thời điểm ba mỏ neo được hình thành.
🟠 Góc thứ nhất: Tự do tài chính – Khi carry trade thành con dao hai lưỡi

Từ những năm 1980, Nhật đã mở cửa hoàn toàn cho dòng vốn quốc tế. Kết quả là:
- Các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí Nhật đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để kiếm lợi suất cao hơn, tạo ra yen carry trade – dòng chảy vốn vay yen rẻ để đầu tư vào trái phiếu Mỹ, AUD, hay các tài sản EM.
- Người Nhật được hưởng lợi: lợi nhuận cao hơn từ tài sản toàn cầu.
👉 Nhưng tự do này cũng là cửa ngõ cho hỗn loạn. Khi BoJ tăng lãi suất, dòng tiền carry quay đầu, jpy tăng mạnh, thị trường quốc tế chao đảo. Cuộc tháo chạy tháng 7/2024 khi BoJ tăng lãi suất đột ngột là ví dụ rõ rệt.
Nhật Bản đã mở cửa dòng vốn để cho phép các quỹ hưu trí và bảo hiểm tìm kiếm lợi suất ở nước ngoài. Đồng yen, nhờ chính sách lãi suất gần 0, đã trở thành loại tiền funding ưa thích cho carry trade toàn cầu. Nhưng BoJ không ngờ rằng chính nó sẽ trở thành một quả bom nợ đảo ngược.
BoJ có nên tiếp tục nâng lãi để kiềm chế lạm phát và đồng jpy yếu?
- Có, vì nếu không, nhập khẩu trở nên đắt đỏ, bào mòn sức mua của người dân Nhật.
- Nhưng nếu tiếp tục nâng lãi, họ sẽ bóp chết carry trade, khiến dòng vốn đảo chiều dữ dội hơn nữa, đe dọa sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu.
BoJ hiểu rằng bất kỳ bước đi nào cũng sẽ tạo ra chấn động. Họ chỉ hy vọng có thể “đi bộ trên dây” giữa hai tòa nhà chọc trời: một bên là áp lực bảo vệ sức mua, bên kia là nguy cơ tháo chạy vốn toàn cầu.
🟢 Góc thứ hai: Tài khóa bền vững – Lãi suất – kẻ thù của nợ công
Với nợ công ~260% GDP, Nhật cần duy trì lãi suất thấp để không bị “doom loop” – vòng xoáy nợ, nơi chi phí vay tăng → phải phát hành thêm nợ → thị trường đòi lợi suất cao hơn → lại tăng chi phí vay.
- QQE và YCC giúp BoJ kéo lãi suất JGB gần 0%, làm chi phí trả lãi của chính phủ giảm đáng kể.
- Nhưng trong môi trường toàn cầu lãi suất tăng, nếu BoJ tiếp tục giữ lãi suất thấp, đồng yen sẽ yếu mãi, làm lạm phát nhập khẩu bào mòn sức mua người dân.
Liệu BoJ có thể tiếp tục neo lợi suất thấp để bảo vệ tài khóa?
- Có, nhưng đồng JPY sẽ yếu hơn, lạm phát nhập khẩu tăng và áp lực xã hội gia tăng.
- Không, vì nếu để lợi suất tăng, chi phí vay của chính phủ sẽ bùng nổ, nguy cơ “doom loop tài khóa” sẽ hiện hữu: vay mới để trả nợ cũ, khiến thị trường đòi hỏi lợi suất cao hơn.
Đây không còn là một phép tính đơn giản. BoJ nhận ra rằng việc neo lợi suất giờ đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà là một quyết định sinh tử: hy sinh sức mạnh của đồng JPY hay chấp nhận rủi ro vỡ cấu trúc tài khóa.
🔵 Góc thứ ba: Ổn định tài chính

Thị trường JGB – từng là thiên đường ổn định – nay đã bắt đầu biến động dữ dội:
- Lợi suất 30 năm tăng từ 1.8% (2023) lên 3.2% (tháng 5/2025).
- Các quỹ bảo hiểm và ngân hàng bị kẹt thanh khoản, phải bán tháo JGB để đáp ứng yêu cầu margin call.
- “Shadow Banking” Nhật có nguy cơ lộ điểm gãy giống SVB tại Mỹ.
👉 Nếu BoJ nâng lãi nhanh, có thể gây vỡ bong bóng trái phiếu. Nhưng nếu không nâng, đồng yen yếu sẽ tiếp tục kéo lạm phát.
Trong khi BoJ vật lộn với dòng vốn và thị trường trái phiếu, một cú đòn từ bên ngoài giáng xuống: Mỹ xác nhận áp thuế quan bổ sung từ 1/8/2025 lên các mặt hàng thép, ô tô và linh kiện điện tử – vốn chiếm hơn 30% giá trị xuất khẩu Nhật sang Mỹ.
- Nếu BoJ để đồng JPY mạnh lên để chống lạm phát nhập khẩu, xuất khẩu Nhật sẽ mất lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hàng rào thuế quan Mỹ.
- Nếu BoJ để đồng JPY yếu hỗ trợ xuất khẩu, nhập khẩu năng lượng và thực phẩm sẽ đắt đỏ hơn, tạo ra áp lực xã hội về chi phí sinh hoạt.
Giờ đây “Mỏ neo Ổn định tài chính” bị kéo căng bởi cả cú sốc thương mại và tỷ giá.
Nhờ ba mỏ neo này, con tàu Nhật Bản đã tránh được những cơn bão từng nhấn chìm nhiều nền kinh tế mới nổi. Nhưng giờ đây, ba con sóng khổng lồ đang cùng lúc đánh vào từng mỏ neo, khiến cả hệ thống rung lắc dữ dội.
🌀 Vì sao CPI Nhật lúc này quan trọng đến thế với JPY?
Hệ thống tài chính Nhật đang bước vào giai đoạn cực kỳ nhạy cảm. Ba mỏ neo chính sách của BoJ – tự do tài chính, tài khóa bền vững và ổn định tài chính – đều bị kéo căng bởi:
- Carry trade unwind năm ngoái.
- Sóng lợi suất JGB tăng đầu năm nay.
- Và cú đòn thuế quan Mỹ sắp áp dụng 1/8/2025.
Trong bối cảnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đóng vai trò như van áp lực cuối cùng. Bất kỳ thay đổi nào về giá cả cũng có thể buộc BoJ phải đưa ra những quyết định khó khăn về lãi suất – và những quyết định ấy sẽ trực tiếp tác động đến đồng jpy.

Lần công bố trước, lạm phát Nhật đã khiến thị trường khựng lại. CPI toàn phần ở mức 3.5%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà BoJ kiên trì đeo đuổi suốt hơn một thập kỷ qua. Core CPI – chỉ số loại trừ giá thực phẩm tươi vốn dễ biến động – cũng đứng vững ở 3.7%, cho thấy áp lực giá cả đã lan rộng chứ không còn gói gọn trong nhóm năng lượng hay thực phẩm nhập khẩu.
Điều đáng chú ý hơn là CPI lõi cứng, vốn loại bỏ cả thực phẩm và năng lượng, cũng đạt 3.3%, một tín hiệu hiếm thấy với nền kinh tế Nhật vốn nổi tiếng vì giảm phát triền miên.
Những con số đó, khi đặt trong bối cảnh đồng JPY suy yếu suốt 2 năm qua, đã khiến các nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu vòng xoáy giá – lương có đang nhen nhóm trong một xã hội vốn từng rất miễn nhiễm với lạm phát?
Thị trường kỳ vọng gì?
Sang kỳ công bố tháng này, cột consensus cho thấy thị trường đặt cược rằng lạm phát đã bắt đầu đạt đỉnh và có thể sắp đi ngang hoặc hạ nhiệt. CPI toàn phần được dự báo vẫn giữ ở 3.3%, Core CPI lùi nhẹ về 3.3%, và CPI lõi cứng giữ nguyên ở 3.4%. Đây là kịch bản lý tưởng cho các quỹ phòng hộ đang vận hành carry trade: BoJ không còn áp lực phải nâng lãi suất thêm, đồng yen tiếp tục yếu, và dòng vốn có thể yên tâm vay JPY để đổ vào tài sản có lợi suất cao hơn.
📌 Nhưng đằng sau con số consensus là một giả định rất mong manh: rằng giá cả ở Nhật thực sự đã chậm lại và BoJ sẽ không bị buộc phải thay đổi lập trường chính sách. Nếu dữ liệu actual phá vỡ kỳ vọng này – theo bất kỳ hướng nào – thị trường sẽ phải định giá lại tất cả: từ lãi suất, dòng vốn đến đồng yen.
Dự phóng các kịch bản cho Actual
Nếu con số CPI actual được công bố cao hơn kỳ trước, vượt khỏi cả dự báo, đó sẽ là một đòn mạnh vào niềm tin của thị trường rằng BoJ có thể tiếp tục “đi bộ trên dây”. Một chỉ số toàn phần trên 3.5%, cùng Core CPI tăng lên 3.7–3.8%, sẽ buộc BoJ phải lựa chọn giữa hai nguy cơ: để đồng JPY tiếp tục mất giá và chấp nhận một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, hay nâng lãi suất mạnh tay và chấp nhận rủi ro bóp nghẹt thị trường trái phiếu JGB vốn đã chao đảo suốt 6 tháng qua.
Trong kịch bản này, các vị thế carry trade sẽ trở thành quả bom hẹn giờ; nhà đầu tư đồng loạt đóng trạng thái, đẩy JPY bật mạnh, USDJPY có thể lao dốc về vùng 145–140 chỉ trong vài tuần.
Ngược lại, nếu CPI actual ngang bằng hoặc chỉ nhích nhẹ so với dự báo – toàn phần và Core đều quanh 3.3–3.4%, CPI lõi cứng không thay đổi – BoJ có thể thở phào và duy trì chiến lược “stop-and-go normalization”. Đồng JPY sẽ dao động theo biên độ hẹp, USDJPY sideway trong vùng 148–150. Đây là kịch bản mà thị trường đang nghiêng về, nhưng sự ổn định mong manh ấy có thể dễ dàng bị phá vỡ nếu các yếu tố bên ngoài như thuế quan Mỹ áp ngày 1/8/2025 gây thêm cú sốc.
Cuối cùng, nếu CPI actual hạ nhiệt rõ rệt – toàn phần và Core cùng lùi về 3.0–3.2%, CPI tháng chỉ tăng 0.0–0.1% – điều này sẽ là tín hiệu cho thấy lạm phát đã qua đỉnh. BoJ khi đó sẽ có lý do trì hoãn nâng lãi, tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu để chống lại cú đòn thuế quan Mỹ. Carry trade có thêm nhiên liệu, dòng vốn quốc tế tiếp tục tận dụng chênh lệch lãi suất USD-JPY.
Kết quả là đồng JPY yếu hơn nữa, USDJPY dễ dàng kiểm tra lại đỉnh 155–160.
Kết luận: Đồng JPY trên bờ vực đổi chiều
Nhật Bản đã xây dựng một hệ thống tài chính kỳ công suốt ba thập kỷ, nơi ba mỏ neo – tự do tài chính, tài khóa bền vững và ổn định tài chính – giữ con tàu Tokyo đứng vững giữa đại dương lãi suất thấp và dòng vốn tự do. Nhưng những gì hoạt động trơn tru trong thế giới hậu-bong bóng và giảm phát giờ đây trở nên nguy hiểm khi môi trường bên ngoài đổi khác.
Năm ngoái, carry trade unwind đột ngột như một cơn sóng thần, nhấn chìm các vị thế đầu cơ và đẩy đồng yen mạnh lên trong hoảng loạn. Đầu năm nay, lợi suất JGB dài hạn bật tăng dữ dội, như những con sóng chồm lên thân tàu, khiến BoJ chao đảo giữa nhiệm vụ bảo vệ bảng cân đối ngân hàng và ngăn lạm phát nhập khẩu leo thang.
Và giờ đây, trước mắt là cơn gió chính sách từ Washington, với thuế quan Mỹ sắp áp ngày 1/8/2025, đẩy nền kinh tế Nhật vào thế khó xử: nếu để đồng yen mạnh hơn để bảo vệ sức mua, xuất khẩu sẽ mất lợi thế; nhưng nếu duy trì yen yếu, xã hội sẽ đối mặt với khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Trên nền đó, CPI tháng 7 không còn là một con số thống kê. Nó là van áp lực cuối cùng, có thể kích hoạt một chuỗi phản ứng dây chuyền: BoJ nâng lãi quá nhanh → carry trade sụp đổ → dòng vốn đảo chiều → hệ thống JGB rung chuyển → BoJ buộc phải “pivot” trong hỗn loạn. Hoặc ngược lại, CPI hạ nhiệt → BoJ trì hoãn nâng lãi → đồng yen yếu thêm → nhập khẩu đắt đỏ hơn → xã hội Nhật bất mãn, và niềm tin vào chính sách tiền tệ lung lay.
Ở cực điểm của logic, thậm chí những nghiệp vụ phi logic như đảo ngược carry trade, phát hành JGB coupon âm, hay hợp tác bí mật với Fed qua các dollar swap lines không còn bị loại trừ. Điều tưởng như điên rồ hôm qua có thể trở thành chính sách khả thi ngày mai, khi Tokyo bị dồn vào góc tường.
Những khả năng có thể xảy ra với chính sách tài khóa của Nhật sau tin CPI
🌀 1. “Tự mình hạ neo” – Chính phủ Nhật kiểm soát dòng vốn bằng FX Swap ngược
Nếu CPI bùng nổ mạnh hơn dự báo (Actual > 3.8%) và đồng yen tăng vọt vì carry trade unwind, Nhật Bản có thể làm điều chưa từng thấy từ thời chiến tranh tiền tệ: can thiệp thị trường bằng cách đảo chiều các giao dịch hoán đổi ngoại tệ (FX Swap).
- Thay vì để nhà đầu tư quốc tế tiếp tục unwind carry trade và đẩy yen mạnh lên, BoJ có thể bán USD lấy JPY qua FX Swap, đồng thời cung cấp thanh khoản USD giá rẻ cho các quỹ phòng hộ.
- Điều này tạm thời “khóa” dòng vốn quay về, làm yen yếu nhân tạo để hỗ trợ xuất khẩu, trong khi vẫn giữ danh nghĩa tự do tài chính.
🎯 Nhật Bản luôn tự hào là nền kinh tế mở. Nhưng khi một dòng vốn khổng lồ quay về có thể bóp nghẹt cả thị trường trái phiếu, họ có thể “đảo swap” để tránh hiệu ứng domino.
🏦 2. “Biến trái phiếu thành vũ khí” – Phát hành JGB có coupon âm để ép dòng vốn ra ngoài
Nếu CPI hạ nhiệt (Actual < 2.8%) và yen bắt đầu yếu hơn nữa, chính phủ Nhật có thể làm điều phi lý: phát hành JGB siêu dài hạn (100 năm) với coupon âm (-0.25%), chỉ cho phép nhà đầu tư nội địa mua.
- Điều này khiến người Nhật không còn động lực giữ vốn trong nước, buộc các quỹ hưu trí và bảo hiểm tiếp tục đầu tư ra nước ngoài.
- Đồng yen vì thế được “đẩy yếu” nhân tạo, hỗ trợ xuất khẩu trong bối cảnh Mỹ áp thuế quan từ 1/8/2025.
🎯 Ai lại đi phát hành nợ để lấy tiền… rồi trả ít hơn? Nhưng với Nhật, điều phi logic này đã từng là hiện thực (giai đoạn 2016–2018 coupon JGB 10Y = 0%).
🏯 3. “Bóp méo thị trường repo” – BoJ cung cấp repo 0% để mua lại trái phiếu của chính mình
Nếu CPI cao và lợi suất JGB tiếp tục tăng vọt, làm ngân hàng nội địa lỗ nặng trên danh mục trái phiếu, BoJ có thể thực hiện nghiệp vụ repo đảo ngược:
- BoJ cung cấp repo kỳ hạn 12–24 tháng lãi suất 0%, yêu cầu các ngân hàng dùng JGB làm tài sản thế chấp.
- Sau đó âm thầm mua lại chính các JGB này qua secondary market, đẩy lợi suất xuống lại vùng mục tiêu.
🎯 Thị trường repo vốn là nơi đo lường thanh khoản thực. Nếu BoJ can thiệp quá sâu, nó sẽ xóa bỏ mọi tín hiệu giá của JGB, biến cả thị trường thành một chiếc gương mờ.
💰 4. “Carry Trade đảo ngược” – Tài trợ vốn giá rẻ bằng đồng yen cho chính các quỹ đang short JPY
Nghe có vẻ tự sát, nhưng nếu BoJ muốn giữ đồng yen ổn định và tránh unwind carry trade quá nhanh, họ có thể… cung cấp các khoản vay yen giá rẻ trực tiếp cho quỹ đầu cơ để giữ trạng thái short JPY.
- Ý tưởng ở đây là trợ cấp carry trade để dòng vốn không rút về ồ ạt khi chênh lệch lãi suất thu hẹp.
- BoJ từng làm điều tương tự giai đoạn 2013–2014 qua chương trình “Fund-Provisioning Measure to Support Strengthening the Foundations for Economic Growth” nhưng quy mô nhỏ hơn.
🎯 Hỗ trợ quỹ nước ngoài để họ… tiếp tục short đồng tiền của mình. Nhưng trong một thế giới đảo lộn, BoJ có thể coi đây là “mua thời gian”.
🗾 5. “Chiến tranh tiền tệ kiểu mới” – Hợp tác bí mật với Fed thông qua Dollar Swap Lines
Nếu CPI tăng mạnh và dòng vốn quốc tế quay về Nhật quá nhanh, gây đồng thời hai cú sốc:
- Lợi suất JGB tăng vọt.
- USDJPY sụp đổ (yen quá mạnh, xuất khẩu lao đao).
BoJ có thể yêu cầu Fed mở rộng Dollar Swap Lines với quy mô khổng lồ, sau đó dùng USD vay được để mua USDJPY trên thị trường, đẩy đồng yen yếu trở lại.
🎯 Nhật sẽ phụ thuộc vào Mỹ để cứu chính sách tiền tệ của mình, và điều đó đặt ra rủi ro địa chính trị khổng lồ trong bối cảnh thương mại Mỹ-Nhật đang căng thẳng.